Giá khí đốt châu Âu tăng vọt khi Nga ngừng cung cấp qua Ukraine

Giá khí đốt châu Âu tăng vọt sau khi sau dòng khí đốt của Nga chảy vào châu Âu qua Ukraine ngừng lại vào ngày đầu năm mới.

Vào ngày 1/1, Nga đình chỉ việc vận chuyển khí đốt tới EU qua Ukraine sau khi cuộc đàm phán giữa gã khổng lồ năng lượng Nga - Gazprom và công ty Ukraine Naftogaz cùng nhà điều hành hệ thống truyền tải khí đốt Ukraine kết thúc mà không đạt được thỏa thuận gia hạn hợp đồng.

Động thái này khiến giá khí đốt tự nhiên tương lai của châu Âu tăng cao nhất kể từ tháng 10/2023. Theo đó, giá khí đốt TTF của Hà Lan - giá khí đốt tự nhiên chuẩn của châu Âu, tăng hơn 4% lên 51 euro/megawatt-giờ, mức cao nhất kể từ tháng 10/2023.

Nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu qua Ukraine chấm dứt từ ngày1/1/2025. (Ảnh: Canva)

Nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu qua Ukraine chấm dứt từ ngày1/1/2025. (Ảnh: Canva)

Lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của EU mất 5% vì lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga ngừng vào EU qua Ukraine vào ngày 1/1 sau nhiều thập kỷ hoạt động.

Trong khi đó, lượng khí đốt dự trữ của châu Âu cạn kiệt với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2021, ở mức khoảng 75% do thời tiết đặc biệt lạnh giá ở châu Âu trong những tuần qua. Theo tổ chức công nghiệp Gas Infrastructure Europe, khối lượng khí đốt trong các cơ sở lưu trữ của khối EU giảm khoảng 19% từ cuối tháng 9.

Hiện tại, chưa có nguy cơ xảy ra khủng hoảng năng lượng ngay lập tức hoặc thiếu hụt ở châu Âu. EU đánh giá động thái dừng nguồn cung từ Nga không có tác động ngay lập tức đến giá tiêu dùng của khối.

Tuy nhiên, châu Âu đang gặp khó trong việc kiếm nguồn cung thay thế vì giá khí đốt đã tăng vọt 50% so với cùng kỳ năm trước. Giá năng lượng cao hơn có thể làm tổn hại thêm đến khả năng cạnh tranh của khối và làm tăng chi phí cho các hộ gia đình.

Giá cả cũng có thể tăng nếu châu Âu chuyển sang tăng lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Các nước Trung Âu dễ bị tổn thương nhất khi mất quyền tiếp cận khí đốt tự nhiên của Nga qua Ukraine. Mặc dù có tuyến đường thay thế - TurkStream, để nhận khí đốt tự nhiên của Nga, song tuyến đường đó không đủ để bù đắp hoàn toàn cho việc mất tuyến đường qua Ukraine.

Mạng lưới vận chuyển khí đốt của Ukraine được kết nối với hệ thống đường ống của Moldova, Romania, Ba Lan, Hungary và Slovakia, sau đó mở rộng sang Áo và Italia.

Slovakia được xem là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ lệnh dừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine, vì quốc gia này đáp ứng gần 60% nhu cầu bằng nguồn cung cấp của Nga chạy qua Ukraine. Cùng với đó, Slovakia tạo ra phần lớn sản lượng điện tại nhà máy điện sử dụng khí đốt của Nga.

Nga vẫn có thể cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng châu Âu thông qua đường ống TurkStream, cũng như vận chuyển khí LNG bằng đường biển.

TurkStream chạy từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ qua biển Đen, sau đó tiếp tục đến biên giới với quốc gia thành viên EU là Hy Lạp. Tuyến này có hai tuyến, một tuyến dành cho thị trường nội địa Thổ Nhĩ Kỳ và tuyến còn lại dành cho khách hàng Trung Âu bao gồm Hungary.

Kông Anh (Nguồn: Euronews)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/gia-khi-dot-chau-au-tang-vot-khi-nga-ngung-cung-cap-qua-ukraine-ar917933.html