Gia Lai bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân trước bão lũ

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai đã có những chỉ đạo kịp thời để tập trung ứng phó với bão số 4 (Noru). Trong đó, việc rà soát, tổ chức di dời người dân ra khỏi các vị trí có nguy cơ cao về ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.

Các địa phương chủ động ứng phó

Theo dự báo, trong thời gian bão số 4 đổ bộ vào đất liền, Gia Lai sẽ có một đợt mưa to đến rất to kéo dài từ ngày 27 đến 29-9. Tại các huyện như: Kbang, Đak Đoa, Krông Pa, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, TP. Pleiku, thị xã An Khê và Ayun Pa, lượng mưa phổ biến 150-250 mm, có nơi trên 350 mm. Mưa lớn gây nguy cơ lũ quét, sạt lở đất rất cao tại các địa phương trên. Đặc biệt, tại các huyện: Kbang, Đak Đoa, Krông Pa và thị xã An Khê có gió cấp 7, 8, giật cấp 10, 11, 12 nguy cơ gây thiệt hại về nhà cửa, cây cối, hoa màu.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chủ động công tác triển khai các giải pháp ứng phó. Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương hoãn các cuộc họp không thực sự cấp bách; phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở; tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động các biện pháp phòng-chống nhằm giảm thiểu thiệt hại. Cùng với đó, chủ động rà soát, sơ tán triệt để người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, nước chảy xiết không đảm bảo an toàn trước khi trời mưa, bão ảnh hưởng; triển khai lực lượng canh gác ở những vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập sâu, nước chảy xiết; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố, đảm bảo thông tuyến trên các trục giao thông chính…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên (ở giữa) kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 tại nhà người dân ở xã Lơ Ku, huyện Kbang. Ảnh: Nguyễn Diệp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên (ở giữa) kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 tại nhà người dân ở xã Lơ Ku, huyện Kbang. Ảnh: Nguyễn Diệp

Chủ động triển khai các giải pháp ứng phó bão nhằm giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản, chính quyền xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa) đã bố trí lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông suối, hồ đập, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Ông Hà Văn Đường-Chủ tịch UBND xã-cho hay: Sáng 27-9, xã đã đưa 5 người dân của buôn H’Lang sản xuất bên kia sông Ba về nhà tránh bão an toàn. Đồng thời, hướng dẫn người dân chằng chống, gia cố nhà cửa chống bão; bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 4 để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra.

Trước diễn biến phức tạp của mưa bão, các huyện: Kbang, Kông Chro, Đak Pơ và thị xã An Khê đã chủ động triển khai các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu hoạch hoa màu, chằng chống nhà cửa, rà soát điểm xung yếu. Ông Đinh Lành-Chủ tịch UBND xã Đak Pling (huyện Kông Chro) cho biết: Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã đã chuẩn bị vật tư, phương tiện, lực lượng với phương châm “4 tại chỗ”; huy động lực lượng khơi thông các cống tràn làng Mèo, Tbưng; cử lực lượng túc trực giăng dây, cắm bảng không cho người qua lại các ngầm tràn lúc nước dâng cao. Đồng thời, xã có phương án sơ tán 20 hộ với 79 khẩu tại làng Tbưng-khu vực có nguy cơ sạt lở-cùng tài sản đến nơi an toàn. “Xã đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự chằng chống nhà cửa, phát quang cây xanh có nguy cơ ngã đổ, đưa vật nuôi đến nơi an toàn, thu hoạch sớm các loại hoa màu. Mặt khác, xã phân công cán bộ phụ trách từng thôn, làng theo dõi cụ thể diễn biến của bão để sẵn sàng ứng phó”-Chủ tịch UBND xã Đak Pling thông tin.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa (thứ 5 từ trái sang) cùng lãnh đạo huyện Ia Pa kiểm tra công tác phòng-chống bão lũ tại đập tràn thôn Mơ Năng, xã Kim Tân. Ảnh: Vũ Chi

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa (thứ 5 từ trái sang) cùng lãnh đạo huyện Ia Pa kiểm tra công tác phòng-chống bão lũ tại đập tràn thôn Mơ Năng, xã Kim Tân. Ảnh: Vũ Chi

Trong khi đó, ông Hồ Xuân Dương-Chủ tịch UBND xã Lơ Ku (huyện Kbang) cho hay: Lực lượng chức năng của huyện, xã túc trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng phó khi mưa lớn và gió mạnh xảy ra. Xã đã xuất kinh phí mua 500 bao bì, huy động xe công nông chở cát chằn trên mái nhà trụ sở làm việc, trạm y tế xã, các trường học; vận động người dân xúc hơn 2.000 bao cát để chằn chống những nhà không đảm bảo an toàn, trong đó, xã hỗ trợ 20 hộ khó khăn, người già neo đơn. Ông Dương nhấn mạnh: “Chúng tôi đã huy động lực lượng xung kích gồm Công an, Dân quân tự vệ, Đoàn Thanh niên chia làm 3 tổ để chuẩn bị công tác ứng phó; cử lực lượng thường xuyên kiểm tra các điểm xung yếu tại các ngầm tràn thôn 1, làng Bôn, làng Lơk để ngăn người dân không qua lại khu vực nguy hiểm”.

Chung tay cùng các địa phương chống bão, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị về phương tiện, trang bị, nhân lực để sẵn sàng ứng phó và triển khai công tác cứu hộ cứu nạn với phương châm “4 tại chỗ”. Hiện nay, các Ban Chỉ huy Quân sự đã tham mưu giúp chính quyền địa phương xây dựng phương án di dời người dân và tài sản ra khỏi những nơi có nguy cơ ngập lụt. Ngay trong sáng 27-9, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ia Pa phối hợp với các đơn vị Quân đội, Công an đóng quân trên địa bàn triển khai gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ xuống 26 thôn, làng là điểm xung yếu của 6 xã để thiết lập các tổ, chốt sẵn sàng chống bão. Cùng với đó, các đơn vị chuẩn bị hàng chục xuồng máy, ca nô, nhà bạt dã chiến, máy phát điện, máy bơm nước; hàng trăm máy cưa, máy khoan bê tông, đèn báo bão; hàng ngàn phao, áo cứu sinh; thực phẩm… sẵn sàng ứng phó khi bão ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn.

Mưa bão khiến ngầm tràn thôn Plei Du (xã Chư Răng, huyện Ia Pa) bị ngập, nguy cơ chia cắt dân cư. Ảnh: Vũ Chi

Mưa bão khiến ngầm tràn thôn Plei Du (xã Chư Răng, huyện Ia Pa) bị ngập, nguy cơ chia cắt dân cư. Ảnh: Vũ Chi

Ngoài ra, Sư đoàn 10, Sư đoàn 320, Lữ đoàn Công binh 7 (Quân đoàn 3) cũng triển khai phương tiện, trang bị kỹ thuật và nhân lực tham gia phòng-chống bão và sẵn sàng khắc phục hậu quả. Trong đó, Lữ đoàn Công binh 7 đã huy động 61 cán bộ, chiến sĩ và 13 phương tiện gồm: xe ca chở bộ đội, xe chỉ huy, xe chở phà, ca nô, vật tư, xe cứu thương và xe cứu hộ đa năng. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng chỉ đạo các đồn Biên phòng triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với bão và khắc phục hậu quả thiên tai.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Bảo-Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) cho biết: “Chúng tôi phối hợp với lực lượng Công an, Dân quân tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng phương án phòng-chống bão và cứu hộ cứu nạn, bảo vệ tài sản cho người dân. Đồn cũng đã huy động cán bộ, chiến sĩ và phương tiện, trang bị triển khai đến những vị trí trọng yếu để giúp đỡ người dân. Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tránh xa khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, các sông, suối có mực nước dâng cao”.

Nỗ lực giảm thiểu thiệt hại

Triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến sáng 27-9 về ứng phó khẩn cấp với bão số 4 với mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh xuống địa bàn kiểm tra công tác chuẩn bị để kịp thời ứng phó với diễn biến xấu có thể xảy ra, đặc biệt là bảo vệ tính mạng người dân, cương quyết di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm. Đồng thời, tích cực đôn đốc, nhắc nhở các địa phương không lơ là, chủ quan trước diễn biến phức tạp của bão khi khả năng ứng phó còn có những hạn chế.

Người dân làng Cao Sơn, xã Tơ Tung, huyện Kbang chủ động chằng, chống mái nhà. Ảnh: An Phát

Người dân làng Cao Sơn, xã Tơ Tung, huyện Kbang chủ động chằng, chống mái nhà. Ảnh: An Phát

Người dân gấp rút thu hoạch lúa trên cánh đồng Đê Ba (xã Tơ Tung, huyện Kbang) trước khi bão số 4 đổ bộ. Ảnh: Ngọc Minh

Người dân gấp rút thu hoạch lúa trên cánh đồng Đê Ba (xã Tơ Tung, huyện Kbang) trước khi bão số 4 đổ bộ. Ảnh: Ngọc Minh

Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên về ứng phó khẩn cấp với bão số 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, bị động trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cần tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt nhất, đặt mục tiêu bảo đảm an toàn, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Phải vừa phòng tốt, vừa chống đỡ hiệu quả với phương châm “4 tại chỗ”; chuẩn bị tốt nhất để kịp thời ứng phó diễn biến xấu có thể xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Đến kiểm tra tại các huyện Đak Pơ, Kbang và Kông Chro, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh-nhấn mạnh: “Bão sẽ gây mưa to nên hết sức lưu ý cắt cử lực lượng di dời dân khi nước lũ về. Ngay trong đêm 27-9, cương quyết di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; người dân ở nhà thiếu an toàn phải di chuyển đến khu vực nhà ở kiên cố trên địa bàn. Các huyện phải nắm ngay số lượng nhà có nguy cơ sập, các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống để di dời người dân đến nơi an toàn; tuyên truyền, nhắc nhở người dân không chủ quan, lơ là. Đặc biệt, huyện Kbang cần lưu ý 7 điểm sạt lở, tập trung huy động lực lượng đảm bảo an toàn 33 đập dâng do xã quản lý, phối hợp với Thủy điện An Khê-Ka Nak trong điều tiết, xả lũ”.

Kiểm tra công tác phòng-chống bão lụt tại khu vực Đông Nam tỉnh, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-nhận định: Các địa phương đã có phương án, xác định được những vị trí xung yếu có nguy cơ ngập lụt, tổ chức trực gác để chủ động ứng phó. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các địa phương cần quyết liệt trong việc tổ chức di dời dân tại khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, nếu cần thiết thì cưỡng chế thực hiện nhằm tránh thiệt hại về người do mưa lũ gây ra. Sau khi bão đổ bộ vào đất liền chắc chắn sẽ gây mưa lớn làm thiệt hại tài sản của người dân. Vì vậy, các đơn vị cần xây dựng ngay phương án khắc phục hậu quả nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8301/202209/gia-lai-bao-ve-tinh-mang-tai-san-cua-nguoi-dan-truoc-bao-lu-5791357/