Gia Lai-Bình Định: Phối hợp chặt chẽ quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh
Vùng giáp ranh giữa Gia Lai và Bình Định có chiều dài khoảng 141 km trải dài qua địa bàn 4 huyện, thị xã, trong đó có nhiều khu vực là rừng tự nhiên với giá trị kinh tế cao cùng nhiều loài động-thực vật nguy cấp, quý hiếm. Những năm qua, lực lượng chức năng 2 tỉnh luôn phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Tiềm ẩn nguy cơ xâm hại tài nguyên rừng
Vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định khá rộng, có địa hình phức tạp, hiểm trở. Đặc biệt, khu vực giáp ranh giữa huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) với 2 huyện Vĩnh Thạnh, An Lão (tỉnh Bình Định) chủ yếu là rừng tự nhiên với nhiều loại gỗ có giá trị kinh tế cao như: hương, pơ mu… cùng hệ động-thực vật phong phú, đa dạng thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm. Dân cư sinh sống ở đây chủ yếu là đồng bào Bahnar và dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc; đời sống còn nhiều khó khăn chủ yếu dựa vào sản xuất nông-lâm nghiệp.
Huyện Kbang có đường giáp ranh với 2 huyện Vĩnh Thạnh và An Lão với chiều dài khoảng 72 km. Trong đó, đoạn giáp huyện An Lão dài khoảng 12 km có 2 tiểu khu và Vĩnh Thạnh có 60 km trải dài qua 4 xã Sơn Lang, Sơ Pai, Đak Smar và Nghĩa An (huyện Kbang) với 15 tiểu khu. Các đơn vị thuộc 2 tỉnh được giao quản lý, bảo vệ rừng tại đây gồm: Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Hà Nừng (xã Sơn Lang), Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sơ Pai (xã Sơn Lang, Sơ Pai), Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh), Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sông Kôn (xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Hảo).
Ông Nguyễn Văn Dũng-Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho biết: Kbang có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn của tỉnh; có sự đa dạng sinh học với các hệ sinh thái rừng phong phú; giáp ranh với nhiều địa phương. Vì vậy, rừng Kbang luôn đối diện với nguy cơ xảy ra khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, phá rừng trái pháp luật. Những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo lực lượng chức năng, đơn vị chủ rừng và các xã vùng giáp ranh triển khai quyết liệt nhiều biện pháp, hạn chế thấp nhất tình trạng xâm hại tài nguyên rừng. Từ năm 2017 đến năm 2021, lực lượng chức năng của huyện phối hợp với các đơn vị phát hiện 46 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Còn ông Lê Quý Truyền-Chủ tịch UBND xã Sơn Lang thì cho hay: Trên địa bàn xã có 3 đơn vị chủ rừng gồm: Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Hà Nừng và Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sơ Pai, có 48 km giáp ranh với huyện Vĩnh Thạnh. Phần lớn có địa hình phức tạp, hiểm trở; tập trung chủ yếu diện tích rừng tự nhiên với nhiều loại gỗ quý có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, dọc tuyến giáp ranh có nhiều đường mòn, lối mở. Những năm qua, UBND xã thường xuyên phối hợp với Hạt Kiểm lâm 2 huyện Kbang, Vĩnh Thạnh, các đơn vị chủ rừng và UBND xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) xây dựng kế hoạch tổ chức lực lượng phối hợp tuần tra, truy quét tại khu vực rừng trọng điểm. Nhờ đó, tình trạng xâm phạm tài nguyên rừng được ngăn chặn.
Theo ông Bùi Cao Đỉnh-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Hà Nừng, diện tích rừng của đơn vị quản lý giáp ranh với 7 đơn vị chủ rừng khác. Trong đó, một số khu vực giáp ranh với Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sông Kôn (huyện Vĩnh Thạnh) và Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh có địa hình nhiều đồi dốc, khe suối. Để bảo vệ diện tích rừng được giao, đơn vị và Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh đã thành lập chốt quản lý bảo vệ rừng; đồng thời hàng năm đều tổ chức ký kết quy chế phối hợp, trao đổi thông tin, phối hợp tuần tra. Qua đó, các đơn vị kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ việc xâm hại tài nguyên rừng.
Siết chặt bảo vệ rừng giáp ranh
Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng vùng giáp ranh, năm 2017, UBND tỉnh Gia Lai và Bình Định đã ký kết quy chế phối hợp. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và PTNT 2 tỉnh, lực lượng kiểm lâm, các huyện, thị xã và UBND các xã vùng giáp ranh cũng tiến hành ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng 2 tỉnh đã phát hiện 50 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó có 3 vụ phá rừng, 22 vụ khai thác lâm sản, 14 vụ tàng trữ và 11 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Cơ quan chức năng đã xử lý hình sự 5 vụ, hành chính 45 vụ, tịch thu hơn 109 m3 gỗ, 1 xe ô tô, 1 máy cày, 3 xe độ chế, 44 xe gắn máy; đồng thời buộc trồng lại 3.500 m2 rừng, xử phạt với tổng số tiền là 169 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai: Từ năm 2017 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT 2 tỉnh đã triển khai hiệu quả các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ đó, nhiều vụ phá rừng đã được lực lượng chức năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương vùng giáp ranh chỉ đạo lực lượng chức năng, đơn vị chủ rừng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. Chi cục Kiểm lâm 2 tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực rừng giáp ranh, hạn chế thấp nhất tình trạng xâm hại tài nguyên rừng”-ông Hoan nhấn mạnh.
Về phía tỉnh Bình Định, ông Lê Minh Thông-Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh-khẳng định: Huyện sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng, chủ rừng cùng các xã giáp ranh với huyện Kbang thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp tuần tra, kiểm soát nhằm siết chặt bảo vệ rừng, tránh tình trạng lâm tặc từ Kbang sang Vĩnh Thạnh và ngược lại.
Trao đổi về công tác phối hợp trong thời gian tới, ông Trần Văn Phúc-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định-thông tin: Từ nay đến cuối năm 2022, các lực lượng chức năng của 2 tỉnh và địa phương vùng giáp ranh tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và quy chế phối hợp giữa 2 tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân sinh sống ở các địa phương giáp ranh. Thường xuyên trao đổi cung cấp thông tin, tăng cường quản lý hộ tịch các trường hợp di dân tự do trái phép, không để các đối tượng vào rừng canh tác hoa màu trên diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm; kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân xâm hại tài nguyên rừng.