Gia Lai 'bóc' loạt sai phạm về các trang trại heo ngàn tỷ
Quỹ đất rộng lớn, giá rẻ, nhiều doanh nghiệp tìm đến Gia Lai đầu tư các dự án trang trại heo ngàn tỷ. Trước viễn cảnh ô nhiễm môi trường, nguồn thuế 'nhỏ giọt', Gia Lai đã thành lập đoàn kiểm tra, chỉ ra hàng loạt vi phạm về các dự án này.
Theo UBND tỉnh Gia Lai, với quỹ đất lớn, giá thuê rẻ, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) từ khắp các tỉnh lên Gia Lai xin chủ trương đầu tư các dự án trang trại heo. Tùy diện tích, quy mô, mỗi trang trại có mức đầu tư từ 100 - 1.000 tỷ đồng.
UBND tỉnh Gia Lai đã thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra các dự án trang trại chăn nuôi về tính hiệu quả, đóng góp cho địa phương; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính; bảo vệ môi trường.
Sau nhiều tháng kiểm tra, đoàn liên ngành vừa có báo cáo kết quả các dự án. Theo đó, toàn tỉnh Gia Lai hiện có 46 dự án trang trại chăn nuôi (tổng 43.300 con bò; 148.500 con heo) được UBND tỉnh phê duyệt quyết định đầu tư, trong đó 16 dự án đã hoạt động; 13 dự án đang xây dựng; 17 dự án chưa xây dựng. Ngoài ra, 58 dự án khác được phép khảo sát. Tiền thuế mà các dự án nộp cho ngân sách Nhà nước 17 tỷ đồng.
Đoàn liên ngành chỉ ra vi phạm tại các dự án như: Một số nhà đầu tư không trực tiếp sản xuất mà cho tổ chức kinh tế khác thuê lại trang trại; Chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất theo quy định; Một số dự án đi vào hoạt động nhưng chưa được cấp phép môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường 2020; Chưa lập hồ sơ về công tác phòng cháy chữa cháy.
Một số dự án không phù hợp với Luật Xây dựng; không tuân thủ quy định của Luật Đầu tư.
Các dự án chăn nuôi bị "điểm danh" như: Cty TNHH AgriFarm Gia Lai (huyện Kông Chro); Dự án chăn nuôi heo công nghiệp của Cty CP Chăn nuôi xanh GIC (huyện Ia Pa); Dự án chăn nuôi heo nái Bách Mộc Hợp (huyện Chư Pưh); Dự án chăn nuôi heo công nghệ cao của Cty TNHH Chăn nuôi Bảo giang (huyện Phú Thiện).
Theo Sở KH&ĐT Gia Lai, các dự án chăn nuôi ở tỉnh không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định của Bộ Tài chính; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được miễn tiền thuê đất theo Nghị định 57 (năm 2018) của Chính phủ.
“Do vậy, nguồn thuế mà các dự án đóng góp vào ngân sách (17 tỷ đồng - PV) là quá ít. Nguồn lợi mà các dự án đem lại cho địa phương chỉ là giải quyết nguồn lao động tại chỗ”, một cán bộ Sở KH&ĐT Gia Lai nói.
Từ những hạn chế, tồn tại trên, Đoàn liên ngành tỉnh này kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai không kêu gọi đầu tư các dự án chăn nuôi có quy mô nhỏ. Ưu tiên kêu gọi các dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, không ảnh hưởng đến môi trường.