Gia Lai: Các xã phường khẩn trương bắt tay thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội
6 tháng cuối năm 2025 là thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khởi đầu cho giai đoạn phát triển mới của tỉnh Gia Lai sau hợp nhất. Hiện nay, các xã phường đang khẩn trương bắt tay thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội với quyết tâm cao nhất.
Ngày 3.7, UBND tỉnh Gia Lai chính thức giao chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2025 cho 58 xã, phường mới được thành lập từ hợp nhất các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định trước đây. Điều này đặt ra yêu cầu vừa cấp thiết, vừa dài hạn đối với từng địa phương là ổn định tổ chức bộ máy hành chính, nhanh chóng bắt nhịp công việc, đồng thời triển khai quyết liệt các nhiệm vụ phát triển trên địa bàn.
Nhập cuộc với quyết tâm cao
Xã Vĩnh Quang (hợp nhất các xã Vĩnh Thuận, Vĩnh Hòa, Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh trước đây) có địa bàn rộng, quy mô diện tích 89,35 km2 và dân số gần 9.100 người. Với đặc thù gần 1/3 dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số Bahnar, việc hoạch định các nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân được Đảng ủy, UBND xã đặc biệt quan tâm.

Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Quang Nguyễn Kế Đấu (người đứng đầu tiên bên trái) kiểm tra việc thu hoạch ớt trên địa bàn xã. Ảnh: N.H
Theo ông Nguyễn Kế Đấu-Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Quang: Trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng 9,2% cả năm 2025, xã xây dựng kế hoạch, chương trình, kịch bản tăng trưởng chi tiết theo hằng tháng, hằng quý. Các giải pháp trọng tâm được triển khai tập trung vào thế mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; cải thiện cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp Tà Súc (giai đoạn 3); đồng thời, thu hút đầu tư, đôn đốc triển khai các dự án lớn trên địa bàn xã như Nhà máy điện gió Vĩnh Thuận, trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao của Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Vĩnh Quang, dự án khu dân cư mới cho đồng bào dân tộc thiểu số…
“Khó khăn nhiều, nhất là sự chênh lệch về hạ tầng và điều kiện phát triển giữa 3 xã cũ, nhưng chúng tôi đã xác định tinh thần quyết tâm, vào cuộc ngay từ đầu để tránh bị động”-ông Đấu nhấn mạnh.
Tại phường Bình Định (hợp nhất 3 xã, phường Bình Định, Nhơn Khánh, Nhơn Phúc, thuộc TX An Nhơn trước đây), ngay sau khi tiếp nhận chỉ tiêu phát triển KT-XH do tỉnh giao, địa phương đã giao việc, giao chỉ tiêu cụ thể định lượng bằng “KPI” đến từng cơ quan, đơn vị. Mục tiêu là đảm bảo tăng trưởng tổng sản phẩm từ 10,2% trở lên trong 6 tháng cuối năm.
“Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tại Cụm công nghiệp Bình Định, phường Bình Định tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khu đô thị dọc hai bên đường liên phường Bình Định đi Nhơn Hưng, khu dân cư số 2 phía Đông đường Nguyễn Văn Linh, khu dân cư Vĩnh Liêm, điểm dân cư phía Đông đường Cần Vương nhằm tạo dư địa phát triển”-Chủ tịch UBND phường Lê Quốc Cường chia sẻ.
Không gian phát triển mới, kỳ vọng mới
Hình thành từ hợp nhất 3 xã ven biển Mỹ Thọ, Mỹ An, Mỹ Thắng (thuộc huyện Phù Mỹ trước đây), xã Phù Mỹ Đông là một trong những xã trọng điểm của tỉnh. Tại địa phương này, nhiều dự án động lực đang được xúc tiến để tạo bứt phá phát triển cho tỉnh thời gian tới, đặc biệt là 3 dự án: Khu công nghiệp Phù Mỹ quy mô 820,93 ha; Khu bến cảng Phù Mỹ 1.442,7 ha, với kỳ vọng đồng bộ hạ tầng cảng biển quy mô lớn tại đây; Trung tâm Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực năng lượng tái tạo của Tập đoàn GEO (Đức) đầu tư khoảng 20 ha, tổng số vốn 50 triệu USD.
Tại hội nghị phân giao chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển KT-XH cho 58 xã, phường mới vào ngày 3.7, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết: Chính quyền cấp xã mới hiện nay như một tỉnh thu nhỏ. Sắp tới, tỉnh tiếp tục phân cấp mạnh cho các địa phương, đặc biệt các vấn đề giải quyết cho người dân. Người đứng đầu chính quyền tỉnh yêu cầu sở, ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ, phân giao chỉ tiêu cụ thể trên từng lĩnh vực cho từng xã, phường. Các địa phương rà soát lại các văn bản hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ để đảm bảo và hướng dẫn địa phương cách thức triển khai thực hiện.
Xã Phù Mỹ Đông nhận diện rõ những cơ hội mới, không gian phát triển mới đi cùng không ít khó khăn, thách thức. Bí thư Đảng ủy xã Trần Văn Phúc khẳng định: Ngay sau khi sáp nhập, xã đã tổ chức các hội nghị ổn định tổ chức, điều động cán bộ từ trung tâm huyện về làm việc tại cơ sở mới. Xã đang tập trung phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xúc tiến nhanh công việc liên quan cho các dự án trọng điểm sớm khởi công trong 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, xã cũng đặt trọng tâm vào phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao, ngăn chặn khai thác IUU, tạo sinh kế bền vững cho người dân ven biển. Cùng với đó, kiến nghị tỉnh hỗ trợ đầu tư hạ tầng - yếu tố quan trọng để khai thác hiệu quả tiềm năng vùng biển và công nghiệp.
Theo UBND tỉnh, trong tháng 7 này, tỉnh tiếp tục giao chỉ tiêu KT-XH cho 77 xã, phường mới hình thành của tỉnh Gia Lai trước đây. Tuy vậy, các xã, phường mới ở địa bàn Gia Lai trước đây cũng đã khẩn trương ổn định tổ chức bộ máy, định hướng các giải pháp phát triển cho địa phương trong thời gian tới.
Phường Pleiku (hợp nhất 5 xã, phường của TP Pleiku trước đây là Hoa Lư, Tây Sơn, Hội Thương, Phù Đổng, Trà Đa) có tổng diện tích 25.000 km2, hơn 79.000 dân. Ông Nguyễn Xuân Phước-Bí thư Đảng ủy phường Pleiku-cho hay: Đến thời điểm này, phường đã cơ bản hoàn thành sắp xếp các đầu mối công việc theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và các chủ trương của Trung ương, bước đầu đi vào vận hành tương đối ổn định. Về định hướng phát triển, địa phương xác định tiểu thủ công nghiệp - thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 85% tỷ trọng cơ cấu kinh tế của địa phương, tập trung chủ yếu ở các tuyến phố trung tâm. Ngay khi UBND tỉnh phân giao chỉ tiêu về phát triển KT-XH, địa phương sẽ bắt tay ngay vào triển khai. Đồng thời, đề xuất tỉnh đầu tư 5 dự án trọng điểm trên địa bàn với khoảng hơn 1.000 tỷ đồng chủ yếu là các nút giao thông trên các tuyến đường trọng yếu.