Gia Lai chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính

Ngày 3-4, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung ký ban hành Công văn số 811/UBND-NC về việc thực hiện nhiệm vụ liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính.

Theo đó, triển khai thực hiện Kết luận số 137-KL/TW ngày 28-3-2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh; đồng thời để việc sắp xếp đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đúng mục tiêu, tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (gọi tắt là sở), UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là huyện) tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét một số nội dung, nhiệm vụ sau:

 Quảng trường Đại Đoàn Kết xứng đáng với cái danh hiệu “Trái tim của phố núi Pleiku”. Ảnh T.L

Quảng trường Đại Đoàn Kết xứng đáng với cái danh hiệu “Trái tim của phố núi Pleiku”. Ảnh T.L

Tích cực triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp khẩn trương, quyết liệt, kịp thời, toàn diện, chặt chẽ, phù hợp với chỉ đạo của Trung ương. Trong giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính, cần bảo đảm đặt quyền lợi, lợi ích của Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp lên trên hết, trước hết; duy trì sự ổn định, liên tục, thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn việc xử lý hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính, việc cung ứng các dịch vụ công; đặc biệt là những dịch vụ công cơ bản, thiết yếu (giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, điện, nước,…) và các thủ tục hành chính có lượng giao dịch nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống Nhân dân và hoạt động bình thường của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (đất đai, xây dựng, hộ tịch, chứng thực, giao thông, các loại giấy phép,…) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 219/TTg-KSTT ngày 27-2-2025, chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 484/UBND-NC ngày 4-3-2025 để bảo đảm giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, định hướng tư tưởng tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong xã hội, nhất là đối với cán bộ, công chức, viên chức; kịp thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị…

Người đứng đầu các sở, huyện phải nâng cao trách nhiệm, tập trung chỉ đạo quyết liệt theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao. Kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện sao nhãng, lơ là, làm việc cầm chừng trong thực hiện nhiệm vụ.

Rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các công việc còn dở dang, nhiệm vụ công việc trọng tâm đã đề ra tại các kế hoạch, chương trình công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện, nhất là việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp; thống kê đầy đủ, tiến độ đang thực hiện, dự kiến thời gian hoàn thành. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, dự kiến sẽ kéo dài thì nêu rõ lý do và đề xuất giải pháp xử lý trong thời gian tới.

Quản lý chặt chẽ việc sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi sắp xếp không để thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước. Thực hiện nghiêm việc tạm dừng mua sắm tài sản, trang thiết bị; triển khai thực hiện các công trình, dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn quản lý mà chưa thi công cho đến khi UBND tỉnh có chỉ đạo mới. Trường hợp có công trình, dự án qua rà soát cần thiết phải tạm dừng, đề nghị các địa phương chủ động kiểm tra, đánh giá, báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy xem xét, có ý kiến gửi Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh.

Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở chủ trì, phối hợp với cấp huyện: Rà soát, đề xuất việc điều chuyển các nhiệm vụ mà huyện đang đảm nhiệm về các sở và về chính quyền cơ sở bảo đảm không gián đoạn, có khoảng trống trong quá trình quản lý nhà nước tại cơ sở theo hướng đẩy mạnh phân cấp giữa chính quyền tỉnh với chính quyền cơ sở (bao gồm cả phân cấp, phân quyền trong thực hiện thủ tục hành chính); rà soát, đề xuất việc điều chuyển các nhiệm vụ của sở về chính quyền cơ sở (nếu có); chỉ đạo các bộ phận chuyên môn liên quan, rà soát, xây dựng phương án xử lý, tiếp nhận các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc huyện theo phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực (xây dựng, văn hóa, nông nghiệp, giáo dục,…) hoặc chuyển giao cho chính quyền cơ sở quản lý khi không tổ chức cấp huyện (trao đổi, thống nhất với Sở Nội vụ trước khi báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét); rà soát, thống kê các nhiệm vụ đối ngoại, đảm bảo tiếp tục thực hiện các dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài, các bản ghi nhớ, thỏa thuận quốc tế đã ký kết với các đối tác, địa phương nước ngoài, nhất là các huyện, xã biên giới; rà soát, thống kê danh mục thủ tục hành chính chuyển giao về sở và danh mục thủ tục hành chính chuyển giao cho chính quyền cơ sở xử lý khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (trao đổi, thống nhất với Văn phòng UBND tỉnh trước khi đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét) để kịp thời kiến nghị Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các quy định, thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý gắn với sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của cấp huyện được quy định tại văn bản của HĐND tỉnh, UBND tỉnh phù hợp với chủ trương, lộ trình không tổ chức cấp huyện trong sắp xếp tổ chức bộ máy theo Kết luận số 127-KL/TW ngày 28-2-2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26-3-2025 của Chính phủ.

 Thành phố Pleiku hôm nay. Ảnh: Phan Nguyên

Thành phố Pleiku hôm nay. Ảnh: Phan Nguyên

Khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, nhóm nhiệm vụ nhằm bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức trước, trong và sau sắp xếp hoạt động thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả ngay, không gián đoạn công việc, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức và xã hội. Không thu các loại phí, lệ phí của cá nhân, tổ chức phải thay đổi giấy tờ, thủ tục do sắp xếp đơn vị hành chính.

Chủ động tổng hợp, lập danh mục hồ sơ lưu trữ; hoàn thành số hóa đối với hồ sơ, tài liệu, dữ liệu hình thành trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trước khi sắp xếp các đơn vị hành chính theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ tại văn bản số 851/BNV-CVT&LTNN ngày 1-4-2025 về việc số hóa tài liệu trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Nghiêm cấm việc chiếm giữ, chuyển giao, hủy trái phép hồ sơ, tài liệu và cơ sở dữ liệu trái quy định pháp luật. Bố trí phòng kho, trang thiết bị cần thiết để tập kết, bảo quản an toàn tài liệu thuộc thẩm quyền quản lý; bố trí lực lượng bảo vệ an toàn tài liệu cho đến khi tài liệu được bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền quản lý sau khi sắp xếp.

Rà soát, xử lý hoặc kiến nghị xử lý văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tại văn bản, UBND tỉnh cũng giao trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ cụ thể khi thực hiện không tổ chức cấp huyện, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thành chính quyền cơ sở cho các sở ngành. Đồng thời yêu cầu các sở xây dựng Đề án/Phương án/Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ nêu tại văn bản này, lấy ý kiến các cơ quan, địa phương liên quan; hoàn thiện, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ để tổng hợp chung) trước ngày 10-4-2025.

Xem nội dung Công văn số 811/UBND-NC ngày 3-4-2025 của UBND tỉnh TẠI ĐÂY

TRẦN ĐỨC

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gia-lai-chi-dao-thuc-hien-nhiem-vu-lien-quan-den-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-post317757.html