Gia Lai: Chủ động sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ xảy ra lũ quét
Trong hai ngày qua (13-đêm 14/10), nhiều khu vực tỉnh Gia Lai đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông, nguy cơ xảy ra lũ quét.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trên Biển Đông đang có áp thấp nhiệt đới, có khả năng sẽ mạnh lên thành bão.
Trong hai ngày qua (13-đêm 14/10), nhiều khu vực tỉnh Gia Lai đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông.
Trước tình hình đó, để chủ động ứng phó với thời tiết phức tạp, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Công điện số 05/CĐ-UBND, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị là thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố; các chủ đầu tư, các chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện triển khai thực hiện nghiêm Công điện hỏa tốc 939/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 32/CĐ-QG của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai-Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; tập trung chỉ đạo, triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới theo phương châm “4 tại chỗ.”
Các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán triệt để người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, nước chảy xiết không đảm bảo an toàn trước khi mưa, lũ ảnh hưởng.
Các chủ đầu tư, các chủ hồ chứa tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; đối với các hồ đã đầy nước cần chủ động điều tiết để đảm bảo cao trình mực nước đón lũ theo quy định; thực hiện nghiêm túc việc cung cấp thông tin cho chính quyền, người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ theo quy định; phân công cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ đã đầy nước, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
Cùng với đó, các chủ đầu tư, chủ hồ chứa triển khai lực lượng canh gác ở những vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập sâu, nước chảy xiết; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố đảm bảo thông tuyến trên các trục giao thông chính.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố sẵn sàng huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tập trung ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi áp thấp nhiệt đới vào và sau khi áp thấp nhiệt đới kết thúc, nhất là những sự cố sạt lở đất, ngập lụt.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; thường xuyên báo cáo công tác triển khai ứng phó và tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ về Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (qua Văn phòng thường trực Ban) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo.
Bên cạnh yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các công điện về phòng chống bão lũ, tỉnh Gia Lai đã ban hành Công văn số 4202/BCH-PCTT về việc triển khai lệnh vận hành xả nước qua tràn hồ An Khê và Ka Nak.
Theo đó, hồ Ka Nak xả lần đầu với lưu lượng 200m3/s, sau đó điều chỉnh lưu lượng xả phù hợp thực tế theo quy định tại Quyết định số 878/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với lưu lượng xả tối đa là 400m3/s.
Hồ An Khê xả lần đầu với lưu lượng 150m3/s, sau đó điều chỉnh phù hợp với lưu lượng xả tối đa là 500m3/s.
Thời điểm xả của hai hồ trên bắt đầu từ 16 giờ ngày 13/10 và kết thúc khi đợt mưa lũ do áp thấp nhiệt đới gây ra.
Trước đó, cuối tháng 9, nhờ chủ động các phương án phòng, chống bão số 4, tỉnh Gia Lai đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại./.