Gia Lai chưa ghi nhận ổ dịch Covid-19 trong trường học
Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai tại cuộc họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố về tình hình học sinh đi học trở lại trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh vào chiều 24-2.
Thực hiện chỉ đạo của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch để tổ chức dạy học trực tiếp cho trẻ mầm non, học sinh, học viên, sinh viên từ ngày 7-2. Tính đến 23-2, toàn tỉnh có 260/268 trường mầm non, 274/284 trường tiểu học, 229/235 trường THCS và 51/51 trường THPT dạy học trực tiếp. Tỷ lệ học sinh tới lớp bậc mầm non là 57,3%; các bậc học còn lại đều đạt trên 91%. Tính từ ngày 7 đến 23-2, toàn tỉnh có 179 cán bộ, giáo viên và 1.557 học sinh, sinh viên dương tính với SARS-CoV-2, chiếm 39,66% tổng số ca nhiễm cùng thời gian. Trong đó, có 297 trường hợp đã điều trị khỏi và 1.439 người đang điều trị. Nguồn lây được xác định là từ gia đình, người thân và cộng đồng.
“Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên đều có ý thức trong việc chấp hành các quy định về phòng-chống dịch bệnh. Đa số phụ huynh đồng thuận cho con đến trường học trực tiếp; phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm trong việc quản lý, nhắc nhở con em mình và kịp thời thông báo cho nhà trường nguy cơ lây nhiễm khi gia đình có tiếp xúc với F0 để có biện pháp chuyển đổi phương thức dạy học phù hợp với học sinh F1. Các cơ sở giáo dục đã xử lý tình huống linh hoạt, kịp thời khi xuất hiện ca F0 trong nhà trường...”-Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định cho hay.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương đã báo cáo về tình hình tổ chức dạy và học trực tiếp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và công tác phòng-chống dịch trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Sung cho biết: Qua thống kê, từ ngày 7-2 đến nay, thành phố có tổng cộng 616 ca mắc Covid-19 là cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh; tổng số trường hợp F1 là 3.779 người. Thành phố đã bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, yêu cầu các trường xây dựng các phương án phòng-chống dịch, xử lý tình huống xảy ra trong trường học theo đúng quy định. Cùng với đó, tăng cường tiêm vắc xin phòng Covid-19 đúng kế hoạch và tiến độ. “Tuy nhiên, hiện tại lượng vắc xin được cấp của thành phố đã hết, vì vậy, đề nghị tỉnh phân bổ thêm vắc xin phòng Covid-19 cho thành phố để tiêm nhắc lại và tiêm bổ sung. Đồng thời, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, cho phép thành phố tạm dừng việc đến trường đối với trẻ mầm non, tiểu học và số học sinh lớp 6 chưa được tiêm vắc xin”-ông Sung kiến nghị.
Liên quan đến vấn đề “mở cửa trường học”, ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế-nhấn mạnh: Không phải vì xuất hiện ca F0 trong trường học mà tiến hành đóng cửa trường. Mục tiêu của chúng ta là phải kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên và ngăn chặn, không để bùng phát ổ dịch trong trường học. Ngành Y tế đề nghị các trường bám sát mục tiêu này để tổ chức thực hiện. Trạm Y tế cũng phải thường xuyên phối hợp với nhà trường kiểm tra phương án phòng-chống dịch, cử nhân viên y tế sẵn sàng hỗ trợ xử lý các ca bệnh trong trường học”. Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế, đến nay, toàn tỉnh có 87,15% trẻ em 12-17 tuổi đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19. Hiện ngành Y tế đã tổng hợp số trẻ em 5-11 tuổi để đề xuất với Bộ Y tế nhu cầu vắc xin phòng Covid-19 cho đối tượng này.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch khẳng định, qua phân tích, số ca F0 của cán bộ, giáo viên và học sinh, tỉnh chưa phát hiện ổ dịch xuất hiện trong trường học do đi học trực tiếp mà tất cả đều xuất phát từ cộng đồng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương cần quán triệt Sổ tay đảm bảo an toàn phòng-chống dịch Covid-19 trong trường học cho các trường và chỉ đạo xây dựng phương án xử lý khi có F0 tại trường theo quy định; tăng cường kiểm tra, rà soát các điều kiện phòng-chống dịch trong các trường mẫu giáo, bán trú, nội trú. Riêng đối với TP. Pleiku, Sở Y tế và Sở GD-ĐT cần phân tích số liệu để có đề xuất việc đi học đối với trẻ mầm non và học sinh tiểu học trong tuần tới.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch, quan điểm của tỉnh hiện nay là kiểm soát dịch Covid-19 có hiệu quả, hạn chế các ca chuyển biến nặng và tử vong. Vì vậy, đề nghị các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về quan điểm này. Thống nhất triển khai xây dựng Trạm Y tế Online áp dụng trên toàn tỉnh và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý F0 tại nhà. Ban Chỉ đạo các cấp phải rà soát lại vật tư, thiết bị y tế để sẵn sàng ứng phó với tình huống ca bệnh tăng cao; tổ chức hoạt động bệnh viện tách đôi, phân tuyến, phân tầng điều trị; thiết lập đường dây nóng tại Trạm Y tế để kịp thời hướng dẫn F0 qua điện thoại; xử lý tốt rác thải sinh hoạt của các F0 điều trị tại nhà. Tỉnh cũng quyết tâm đến ngày 31-3 sẽ tiêm xong mũi 3 vắc xin phòng Covid-19; đồng thời, đảm bảo tổ chức triển khai tiêm chủng chặt chẽ, an toàn cho trẻ 5-11 tuổi khi có vắc xin phân bổ.