Gia Lai: Đa dạng góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013
Những ngày này, tại tỉnh Gia Lai, đông đảo người dân, giới trí thức và các tổ chức mặt trận, đoàn thể đang tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Nhiều ý kiến tâm huyết, mang tính xây dựng cao đã được ghi nhận, thể hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân ở cơ sở.
Tại buổi lấy ý kiến do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai tổ chức ngày 15/5 vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ tạo nền tảng hiến định quan trọng để thúc đẩy cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Một số ý kiến đề nghị bổ sung quyền chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp khu vực; đồng thời kiến nghị rà soát, lược bỏ một số từ ngữ chưa thật sự cần thiết nhằm bảo đảm sự rõ ràng, thống nhất trong cách hiểu và áp dụng các quy định của Hiến pháp.
Đối với Điều 2 của dự thảo– quy định trường hợp đặc biệt không phải là đại biểu Hội đồng nhân dân nhưng được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp xã – Tiến sĩ Nguyễn Danh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai, góp ý: “Theo tôi, cần hết sức cân nhắc và hạn chế tối đa các trường hợp đặc biệt, bởi nếu quá nhiều thì bản thân khái niệm “đặc biệt” sẽ bị mất ý nghĩa. Bên cạnh đó, cần quy định rõ ràng, cụ thể thẩm quyền xác định và quyết định trong các trường hợp không phải đại biểu HĐND giữ chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp. Tôi cho rằng điều này cần được quy định, thể chế luôn trong nghị quyết này.”

Tiến sĩ Nguyễn Danh góp ý tại hội nghị do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai tổ chức. (ảnh: Phương Dung)
Bên cạnh các hội nghị trực tiếp, việc lấy ý kiến nhân dân lần này được tổ chức đa dạng, linh hoạt, tận dụng các nền tảng công nghệ để mở rộng dân chủ và phát huy vai trò làm chủ của người dân. Gia Lại tăng cường hướng dẫn sử dụng VNeID mức độ 2 để góp ý vào dự thảo Hiến pháp. Ông Lê Xuân Trình – Tổ dân phố 4, phường Phù Đổng (thành phố Pleiku) cho biết, cách làm này không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo điều kiện cho đông đảo người dân, nhất là người cao tuổi, người ở vùng sâu, vùng xa, có thể tham gia đóng góp ý kiến một cách chủ động, minh bạch và kịp thời:
“Lần này góp ý dự thảo nghị quyết sửa đổi một số điều của Hiến pháp 2013 rất thuận tiện. Tổ dân phố đã hướng dẫn người dân vào tài khoản định danh mức độ 2 để đọc và góp ý gửi về trung ương. Rất nhanh chóng, hiệu quả.”

Ông Lê Xuân Trình (phải) cùng hàng xóm trong Tổ dân phố 4, phường Phù Đổng, TP.Pleiku góp ý bằng tài khoản định danh mức độ 2, gửi trực tiếp về trung ương. (ảnh: Nguyễn Thảo)
Cùng với nhân dân cả nước, những góp ý của các tầng lớp nhân dân tỉnh Gia Lai đang được tổng hợp, tiếp thu, chỉnh lý – là nền tảng để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.