Gia Lai: Dân khát dưới công trình đại thủy nông 3.000 tỉ

Hồ chứa thủy lợi Ia Mơr ở huyện Chư Prông (Gia Lai) hoàn thành hơn năm năm nhưng chưa có vùng tưới, trong khi đó vùng đất dưới chân đập vẫn bị khát.

Cách trụ sở UBND xã Ia Mơr, huyện Chư Prông (Gia Lai) chỉ vài trăm mét là con đập Ia Mơr khổng lồ án ngữ, phía trên lòng hồ là cả biển nước mênh mông xa hút tầm mắt. Ngược lại, đất đai ở vùng hạ du bên dưới khô khốc, nhiều ruộng đồng nứt toác do khô hạn. Với người dân nơi đây, mùa này là mùa rảnh rỗi nhất trong năm.

Khô khát ngay bên dưới đập

Gia đình ông Rma Tăm ở làng Klăh, xã Ia Mơr có 8 sào ruộng nhưng phải bỏ hoang một vụ do không có nước tưới. Ông Rma Tăm nói: “Nhà tôi làm 8 sào lúa nhưng chỉ làm được một vụ vì không có nước. Làm không đủ ăn, 8 sào chỉ thu hơn 25 túm (mỗi túm chừng 12 kg - PV). Ở đây bà con làm nông nhờ trời, năm được năm mất. Nhà tôi có năm người, cuộc sống rất vất vả, may có làm thêm hai, ba sào mì nên cũng có thêm nguồn thu”.

Cánh đồng làng Klăh, xã Ia Mơr bên dưới đập thủy lợi Ia Mơr bị khô hạn, nứt nẻ. Ảnh: LÊ KIẾN

Cánh đồng làng Klăh, xã Ia Mơr bên dưới đập thủy lợi Ia Mơr bị khô hạn, nứt nẻ. Ảnh: LÊ KIẾN

Không chỉ thiếu nước sản xuất, nhiều hộ dân nơi đây cũng khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt. Ông Rơh Mah Him, trưởng làng Klăh, cho biết nhiều năm nay bà con mong công trình thủy lợi này sớm đi vào hoạt động để người dân bớt khổ, được làm hai vụ lúa, nhiều cây trồng khác. “Mấy lần tiếp xúc cử tri, cán bộ nói 1-2 năm nữa là có nước nhưng nhiều năm nay vẫn không thấy nước đâu. Làng Klăh có 155 hộ thì có đến 50 hộ nghèo” - ông Rơh Mah Him cho biết.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch xã Ia Mơr, xã chỉ có 600 ha đất nông nghiệp, trong đó có 300 ha lúa một vụ năng suất thấp. Hằng năm, tình trạng thiếu ăn thường xuyên xảy ra. “Chính quyền, người dân rất mong muốn sớm chuyển đổi xong đất rừng để phát huy hiệu quả công trình, phát triển kinh tế vùng biên” - ông Anh nói.

Công trình kỳ lạ

Năm 2017, đập thủy lợi Ia Mơr chính thức chặn dòng, tích nước với dung tích hồ gần 180 triệu m3. Công trình đập hoàn thành nhưng vùng tưới vẫn là đất rừng, chưa được chuyển đổi sang đất nông nghiệp. Ngay tại vùng chân đập ở huyện Chư Prông, hơn 8.000 ha đất vẫn khát nước mặc cho phía trên là hồ chứa nước mênh mông.

Năm 2019, khi về làm việc tại Gia Lai, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (nay là Chủ tịch Quốc hội) đã nghe chính quyền địa phương báo cáo về sự bất cập của công trình thủy lợi Ia Mơr. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh Gia Lai rà soát, đề xuất phương án chuyển đổi đất rừng để công trình phát huy tác dụng, tránh lãng phí.

Ngay tại vùng chân đập ở huyện Chư Prông, hơn 8.000 ha đất vẫn khát nước mặc cho phía trên là hồ chứa nước mênh mông.

Thời gian qua đã có rất nhiều chuyến khảo sát, cuộc họp của các bộ, ngành trung ương, địa phương để giải quyết bất hợp lý của công trình thủy lợi Ia Mơr nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Trong khi đó, vùng hạ du vẫn khô khát.

Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại: “Ở Gia Lai, công trình thủy lợi Ia Mơr hơn 3.000 tỉ làm xong từ lâu vẫn không tưới được thì trách nhiệm của ai? Đấy là lãng phí nhiều hay ít? Nguyên nhân là dưới hạ lưu là đất rừng. Không biết lúc khảo sát làm thế nào?”.

Về việc chuyển đổi đất rừng liên quan đến công trình thủy lợi Ia Mơr, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã đề nghị UBND tỉnh này cần phải thận trọng trong việc xem xét, đề nghị trung ương chuyển đổi phần diện tích đất lâm nghiệp. Bởi nếu cứ tiếp tục phá rừng để đảm bảo vùng tưới trên 8.000 ha như năng lực thiết kế thì nơi đây sẽ vĩnh viễn không còn rừng, gây hệ lụy về môi trường.

Trao đổi với PV, ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết tỉnh đang trình hồ sơ lên Quốc hội, Chính phủ, Bộ NN&PTNT và đang chờ lấy ý kiến.

Ông Vũ Đình Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, cũng cho biết chính quyền, người dân đang mong chờ Quốc hội sớm cho phép chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất nông nghiệp. “Khi công trình hoàn thành sẽ tạo nên đổi thay to lớn ở địa phương. Đặc biệt, với khu vực biên giới, không chỉ có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội, mà an ninh vùng biên càng thêm vững chắc” - ông Hạnh chia sẻ.•

Công trình đại thủy nông đa mục tiêu

Công trình đại thủy nông đập Ia Mơr có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Đây là dự án đa mục tiêu nhằm đảm bảo quốc phòng an ninh, di dân, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế khu vực biên giới tiếp giáp với Campuchia. Công trình có nhiệm vụ cấp nước tưới cho hơn 14.000 ha đất canh tác, nước sinh hoạt cho 50.000 người, kết hợp giảm lũ hạ du, nuôi trồng thủy sản, du lịch.

Năm 2017, đập thủy lợi Ia Mơr hoàn thành, chặn dòng tích nước, có dung tích gần 180 triệu m3, diện tích mặt nước 2.800 ha. Đến nay, công trình thủy lợi Ia Mơr đã hoàn thành giai đoạn 2 với việc xây dựng các tuyến kênh chính đông (vùng tưới Gia Lai) và chính tây (Đắk Lắk). Dự kiến giai đoạn 3 sẽ xây dựng các tuyến kênh nội đồng.

LÊ KIẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/gia-lai-dan-khat-duoi-cong-trinh-dai-thuy-nong-3-000-ti-post681712.html