Gia Lai: Dự án điện gió thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội
Vừa qua, dư luận quan tâm đến vấn đề đầu tư 2 dự án điện gió: Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi của Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai và Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên của Công ty cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai. Cả 2 dự án đang triển khai thi công trên địa bàn huyện Chư Prông. Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cả 2 dự án nói trên phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo, thực hiện đúng quy định của pháp luật và tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Dự án phù hợp với các quy hoạch
Trong thời gian qua, Gia Lai được nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát và có 104 dự án điện gió với quy mô công suất 12.600 MW được UBND tỉnh trình Thủ tướng và Bộ Công thương. Sau khi xem xét điều kiện đấu nối và tình hình giải tỏa công suất, Bộ Công thương đã xem xét trình Thủ tướng Chính phủ đưa vào Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh với 16 dự án điện gió, tổng công suất là 1.142 MW (trong đó có 2 dự án Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi và Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên).
Ngày 25-6-2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các dự án điện gió và lưới điện đấu nối bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), trong đó có 16 dự án điện gió của tỉnh Gia Lai với tổng công suất là 1.142 MW (gồm cả 2 dự án điện gió Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi và Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên). Việc xét duyệt của Bộ Công thương được thực hiện trong điều kiện nghiêm ngặt, khách quan sau đó trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch điện VII. Triển khai quy hoạch đó, Sở Công thương cũng có Công văn số 944/SCT-QLNL ngày 3-7-2020 công bố thông tin danh mục các dự án điện gió và lưới điện đấu nối trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Cả 16 dự án điện gió trong đó bao gồm 2 dự án điện gió nói trên cũng nằm trong danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2020-2021 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-UBND ngày 20-2-2020. Sau thời gian 30 ngày đăng công khai thông tin dự án trên phương tiện thông tin đại chúng thì chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện dự án (Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai đăng ký Dự án Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi; Công ty cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai đăng ký Dự án Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên). Dự án phù hợp với Kế hoạch sử dụng đất 2020 của huyện Chư Prông được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 56/QĐ-UBND ngày 17-2-2020; đảm bảo không nằm trong quy hoạch đất rừng, không chồng lấn với các dự án đầu tư khác, không ảnh hưởng đến quốc phòng-an ninh của địa phương.
Do đó, việc Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai và Công ty cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai được lựa chọn làm nhà đầu tư là công khai, đúng trình tự và đảm bảo đúng các quy hoạch từ Trung ương đến địa phương.
Cùng với đó, việc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan thẩm định và trình UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho 16 dự án điện gió (trong đó có 2 dự án nói trên) đảm bảo theo đúng thời hạn quy định (35 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư) và tuân thủ theo Luật Đầu tư và các quy định khác của pháp luật liên quan.
Bên cạnh đó, năng lực tài chính của nhà đầu tư đảm bảo các quy định hiện hành và đủ điều kiện để được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư triển khai dự án. Trong đó, Dự án Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi của Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai với tổng vốn đầu tư hơn 1.916,9 tỷ đồng (vốn góp của nhà đầu tư hơn 383,3 tỷ đồng, chiếm 20% tổng vốn đầu tư; vốn vay từ ngân hàng thương mại hơn 1.533,5 tỷ đồng, chiếm 80% tổng vốn đầu tư).
Tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội
Để triển khai dự án, ngày 30-6-2020, Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn có Quyết định số 15/QĐ-BC, đồng ý chuyển giao khu đất cho Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai và Công ty cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai để triển khai thực hiện dự án nhà máy điện gió theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh thu hồi đất của Công ty Chè Bàu Cạn, đồng thời cho Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai và Công ty cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai thuê đất thực hiện dự án điện gió theo đúng quy định của Luật Đất đai. Theo đó, các chủ đầu tư dự án điện gió đã thỏa thuận với Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn lấy 22 ha/450 ha đất đồi chè Bàu Cạn để làm các dự án điện gió.
Đồng thời, để tăng năng lực về kỹ thuật, tài chính nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, chủ đầu tư 2 dự án nói trên đã hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm trên lĩnh vực điện gió bằng hình thức góp vốn. Việc này phù hợp với quy định tại Điều 24 Luật Đầu tư năm 2014: “Nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế”; đồng thời, thủ tục nhận chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài từ Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai và Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai đảm bảo theo trình tự thủ tục tại Điều 25, 26 Luật Đầu tư năm 2014, được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định chặt chẽ và lấy ý kiến các sở, ngành có liên quan (Công an tỉnh; Sở Công thương, Sở Ngoại vụ) trước khi chấp thuận việc mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Mặt khác, việc hợp tác nói trên là phù hợp với điều kiện thực tế. Bởi, để triển khai các dự án năng lượng gió với đặc thù có sức đầu tư lớn (35-40 tỷ đồng/MW) đòi hỏi đầy đủ các yếu tố và điều kiện như nguồn tài chính lớn, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm triển khai, vận hành dự án. Do vậy, các nhà đầu tư trong nước phải liên doanh, liên kết với nhà đầu tư FDI để huy động thêm về nguồn tài chính, công nghệ và kinh nghiệm đầu tư nhằm triển khai và vận hành dự án đảm bảo đúng tiến độ, quy mô, chất lượng công trình..., đặc biệt là mang lại hiệu quả cao cho dự án. Với sự tham gia của nhà đầu tư có tiềm lực, 2 dự án này sẽ được triển khai theo đúng mục tiêu, quy mô và tiến độ để đưa vào vận hành vào năm 2021. Hai dự án hoàn thành sẽ đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng điện của khu vực và bổ sung cho lưới điện quốc gia, đồng thời “chắp cánh” cho ngành năng lượng tái tạo của tỉnh Gia Lai phát triển.
Dự án Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi của Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai công suất 50 MW, Dự án Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên của Công ty cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai công suất 50 MW với tổng mức đầu tư trên 3.600 tỷ đồng. Dự kiến khi đưa vào vận hành 2 dự án có tổng sản lượng điện hơn 319,5 triệu kW/năm, doanh thu hơn 627,6 tỷ đồng/năm, đồng thời nộp ngân sách nhà nước hơn 125 tỷ đồng/năm, mang lại nguồn thu ngân sách ổn định và lâu dài cho Gia Lai trong giai đoạn sắp tới. Đây là nguồn lực đáng kể góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Đặc biệt, dự án góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại chỗ, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương; đồng thời, cung cấp nguồn điện năng cho địa phương nói riêng, khu vực các tỉnh phía Nam nói chung, góp phần ổn định an ninh năng lượng quốc gia.
Ngoài ra, việc phát triển các dự án điện gió không chỉ sử dụng năng lượng sạch phù hợp với xu thế của thời đại mà còn tạo cảnh quan, tạo điểm nhấn cho du khách, thu hút khách du lịch đến tham quan tại địa phương. Trong nay mai, khi các cột tua bin điện gió được dựng lên sừng sững trên đồi chè bạt ngàn xanh mướt chắc chắn sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.