Gia Lai: Hai vợ chồng gồng gánh nuôi 3 người con 'đụng là gãy xương'
Do di chứng chất độc da cam, ba người con của đôi vợ chồng trẻ trú tại xã Ia Blang, huyện Chư Sê (Gia Lai) đều bị bệnh xương thủy tinh. Căn bệnh quái ác hễ đụng đâu thì gãy xương ở đó khiến cơ thể các cháu teo tóp, đi lại khó khăn.
“Đụng là gãy xương”
Ngày cũng như đêm, trong căn nhà tạm bợ chưa đầy 50m2 của gia đình anh Phan Cu (SN 1972) và chị Hồ Thị Thảo (SN 1982) luôn phát ra tiếng khóc đến xé lòng của cô con gái út Phan Nữ Ngọc Ánh. Mặc dù Ánh năm nay đã hơn 3 tuổi song con vẫn chưa biết đi, chưa biết ngồi, chỉ nằm một chỗ, chỉ cần trở mình xương của cô bé cũng bị gãy liên tục.
Ngoài cháu út, hai người con trai của vợ chồng chị Thảo cũng bị bệnh xương thủy tinh do di chứng từ chất độc màu da cam. Theo đó, người con đầu của hai vợ chồng là cháu Phan Trọng Tiến (SN 2004). Do mắc căn bệnh quái ác nên đến 5 tuổi, Tiến mới chập chững biết nói, biết đi.
Từ nhỏ, chân tay của Tiến đã bị co quắp và mệt oặt. Vì bị bệnh xương thủy tinh nên gần như tháng nào em cũng phải nằm viện vì bị gãy xương liên tục. Cũng vì vậy, bao nhiêu tiền hai vợ chồng chị Thảo làm lụng đều được chắt chiu, dành giụm lo thuốc thang cho Tiến.
“Dù thân thể còi cọc, nhưng khi lên 6 tuổi thấy bạn bè đồng trang lứa được đi học nên Tiến cũng đòi bố mẹ cho đến trường theo các bạn. Biết bệnh tình của con, đặc biệt khi đến trường hiếu động nghịch ngợm càng dễ bị gãy xương nên tôi nhất quyết không cho Tiến đi học. Thế nhưng, dưới sự thuyết phục của con cuối cùng hai vợ chồng cũng mủi lòng. Thương con tôi và chồng thay phiên cõng Tiến đến trường”, chị Thảo trải lòng.
Thấu hiểu được nỗi vất vả, cơ cực của cha mẹ để đáp lại công lao ấy Tiến luôn nỗ lực học tập. Trong suốt 12 năm học phổ thông, em luôn là học sinh giỏi. Mới đây, Tiến vừa thi đỗ vào Khoa Kỹ thuật phần mềm, Trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương). Dù đã trở thành một sinh viên đại học nhưng em chỉ cao 1,3m và nặng chưa tới 27kg, tuy nhiên nghị lực của Tiến khiến ai biết đến đều phải nể phục.
Tương tự Tiến, cậu con trai thứ 2 của vợ chồng anh Phan Cu là Phan Trọng Nguyên (SN 2013) cũng mắc căn bệnh xương thủy tinh quái ác. Nhưng Nguyên may mắn hơn anh trai và em gái bị nhẹ hơn nên chỉ hay cảm sốt.
Dù rất ham học, thế nhưng vì liên tục nhập viện bởi những trận sốt cao nên việc học của Nguyên thường xuyên bị gián đoạn. Mới đây, Nguyên còn bị ngã dẫn đến gãy khớp gối, gia đình chị Thảo phải dốc cạn tiền bạc lo chữa trị cho con trai.
Gạt giọt nước mắt lăn dài trên gò má, chị Thảo tâm sự: "Nhiều năm nay 2 vợ chồng làm lụng quần quật vẫn không đủ tiền thuốc thang cho các con. Cũng vì vậy món nợ mỗi lần vay mượn để lo cho con nhập viện, chạy chữa càng ngày càng lớn. Cứ nghĩ căn bệnh quái ác sẽ thôi hành hạ đứa con gái út, bởi Ánh cách anh trai đến 7 năm. Nhưng phép màu đã không xảy ra, càng đau lòng hơn khi Ánh là người nặng nhất, chỉ cần trở người xương của con cũng bị gãy”.
Mua hộp sữa cho con cũng phải đắn đo, cân nhắc
Vì cô con gái út chưa biết đi lại mang trong mình căn bệnh quái ác nên chị Thảo đành phải ở nhà chăm con. Để có thêm thu nhập cải thiện bữa ăn cho gia đình chị nhận may quần áo cho bà con hàng xóm nhưng cũng không được bao nhiêu.
Cũng vì vậy, gánh nặng kinh tế gia đình đổ dồn lên đôi vai gầy gò của người chồng nặng gần 40kg và cao chưa đầy 1m50. Để có tiền lo ăn học và chữa bệnh cho các con, anh Phan Cu đã phải làm mọi việc nặng nhọc như phụ hồ, bốc vác…
“Ngày nào cũng phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng vì chi phí khám chữa bệnh, ăn ở đi lại lo cho các con quá đắt đỏ nên kiếm được đồng nào là hết đồng đó, thậm chí còn phải vay mượn khắp nơi. Nhiều lúc mua cho con hộp sữa cũng phải đắn đo, cân nhắc”, anh Phan Cu bộc bạch.
Ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch UBND xã Ia Blang cho hay: "Trên địa bàn, gia đình anh Phan Cu là một trong những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Con cái lại hay phải nhập viện vì bị bệnh xương thủy tinh, vì vậy 2 vợ chồng gần như không có dư. Thế nhưng, các con anh ấy đều chăm chỉ học tập đặc biệt là con trai cả vừa thi đỗ đại học. Nhiều năm qua phải dành giụm tiền để chữa bệnh cho các con nên đến nay gia đình vẫn chưa có căn nhà tươm tất”.
Nhận thấy gia đình anh Cu và chị Thảo quá khó khăn, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê đã hỗ trợ cho gia đình một con bò, dê để có nguồn thu.
Ông Nguyễn Xuân Thủy – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê cho biết: “Bên cạnh hoạt động hỗ trợ kế sinh nhai cho gia đình khó khăn. Vì 2 cháu con chị Thảo liên tục phải nhập viện bởi căn bệnh xương thủy tinh nên Hội cũng thường xuyên vận động mọi người kêu gọi chi phí giúp đỡ gia đình. Cá nhân tôi rất mong các nhà hảo tâm, bạn đọc có thể giúp đỡ gia đình, chia sẻ những khó khăn về kinh tế, chữa bệnh cho các con".