Gia Lai: Hiệu quả từ mô hình trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP
Mô hình hợp tác trồng sầu riêng VietGAP không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường.
Nhận thấy tiềm năng và giá trị kinh tế cao từ cây sầu riêng, nông dân ở Gia Lai, đặc biệt là cộng đồng đồng bào thiểu số Jrai đã mạnh dạn chuyển hướng sang trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm hướng đến xây dựng thương hiệu nông sản của địa phương.
Theo Vietnam+, điển hình cho sự chuyển đổi tích cực trong cơ cấu cây trồng này là mô hình hợp tác trồng sầu riêng VietGAP tại xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh. Tham gia mô hình này, bà con được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học thay thế cho hóa học. Nhờ vậy, vườn cây của các hộ dân tham gia mô hình đều sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, chất lượng sản phẩm được nâng cao và góp phần bảo vệ môi trường.
Nhận thấy lợi ích mà mô hình đem lại, anh Rơ Châm Uy cùng với 13 hộ dân người Jrai khác tại làng Phung, xã Ia Mơ Nông đã tập hợp cùng nhau tham gia mô hình hợp tác trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo anh Rơ Châm Uy, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, vườn sầu riêng 3 năm tuổi của gia đình anh trồng xen canh cây cà phê phát triển ổn định và hứa hẹn mang lại năng suất cao.
Tương tự, anh Rơ Châm Soa trú tại làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông cũng đã gặt hái thành công nhờ mô hình VietGAP. Anh Soa cho biết từ khi tham gia vào mô hình VietGAP, tất cả các quy trình chăm sóc vườn sầu riêng được gia đình anh chuyển sang hướng hữu cơ, sử dụng phân vi sinh, phân chuồng và thuốc sinh học. Nhờ đó, vườn cây 0,5ha sinh trưởng rất tốt, cho trái to, múi dày, dự kiến sẽ cho thu hoạch khoảng 2 tấn sầu riêng chất lượng cao với giá bán 90 triệu đồng.
Ông Rah Lan Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, khẳng định, việc triển khai mô hình trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP đã mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, đặc biệt là đồng bào thiểu số Jrai.
Trước đây, bà con chủ yếu trồng cây ăn trái thường theo phương pháp truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi triển khai mô hình VietGAP, bà con được chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau nâng cao kiến thức và kỹ năng sản xuất. Hiện toàn xã có khoảng 80ha sầu riêng, trong đó; nhiều vườn cây đã thu hoạch cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Păh, mô hình trồng sầu riêng VietGAP đang được triển khai nhân rộng trên địa bàn, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, đặc biệt là đồng bào thiểu số.
“Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục bố trí nguồn lực hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào các chuỗi giá trị, liên kết sản xuất. Điển hình hiện nay là mô hình hợp tác trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP đang được triển khai ở một số địa phương trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả bước đầu,” ông Võ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Păh, chia sẻ thêm.
Còn tại huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), nhiều nông dân cũng đã đầu tư trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu chính ngạch ra thị trường thế giới.
Gia đình ông Châu Văn Hận (thôn Cát Tân, xã Ia Bang) trồng 250 cây sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 1,5 ha. Năm ngoái, gia đình ông thu hoạch được 32 tấn sầu riêng và dự kiến đạt khoảng 35 tấn trong năm nay.
Ông Hận chia sẻ với báo Gia Lai: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng cà phê, hồ tiêu và xen canh một ít sầu riêng. Tuy nhiên, khi thấy cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao, tôi đã chuyển toàn bộ diện tích sang trồng loại cây này, sử dụng giống Monthong và Dona.
Khi bắt đầu trồng chuyên canh cây sầu riêng, tôi đã học hỏi, áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc theo hướng VietGAP nên vườn cây cho năng suất 1-2,5 tạ quả/cây. Giá sầu riêng bán tại vườn khoảng 80 ngàn đồng/kg nhưng tôi chưa chốt giá vì còn khoảng 3 tuần nữa mới thu hoạch. Tuy nhiên, với giá như hiện nay thì sau khi trừ chi phí, gia đình tôi đạt lợi nhuận khoảng 2,4 tỷ đồng”.
Còn ông Đỗ Phạm Chí Công (cùng thôn) thì nhận định: “Hiện nay, thông tin sầu riêng của Thái Lan mất mùa do thời tiết bất lợi giúp bà con nông dân lạc quan hơn về việc giá loại trái cây này có khả năng tiếp tục tăng. Với 2 ha sầu riêng, tôi ước tính sản lượng vụ này đạt khoảng 20 tấn”.
Cũng theo ông Công, cây sầu riêng mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với các loại cây công nghiệp khác nhưng đây lại là cây trồng đòi hỏi kỹ thuật cao, dễ bị sâu bệnh nên cũng khá rủi ro.
Ông Vũ Thế Bình-Chủ nhiệm Nông hội sầu riêng thôn Cát Tân-cho biết: “Nông hội hiện có 56 hội viên với tổng diện tích trồng sầu riêng hơn 80 ha, trong đó, 48 ha đã cho thu hoạch. Những năm qua, Nông hội đã thống nhất với các hộ hội viên về phương án sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, sản lượng lớn để đáp ứng nhu cầu thu mua của đối tác. Hiện nay, Nông hội đang xúc tiến triển khai canh tác sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng mã số vùng trồng.
Đến nay, Nông hội đã có 1 mã số vùng trồng được phía Trung Quốc chấp nhận, 2 mã đang hoàn chỉnh hồ sơ. Vụ sầu riêng năm nay sắp bước vào thu hoạch rộ. Nhiều đơn vị đầu mối đã đặt vấn đề thu mua để xuất khẩu. Với mức giá thu mua tại vườn khoảng 80 ngàn đồng/kg như hiện nay, nông dân sẽ có lợi nhuận cao”.
Theo Vietnam+, việc chuyển đổi sang trồng sầu riêng VietGAP là minh chứng cho sự nỗ lực đổi mới, nâng cao giá trị kinh tế và thương hiệu nông sản của người dân Gia Lai. Ngoài ra, còn cho thấy sự thay đổi tích cực trong quan niệm và tư duy sản xuất nông nghiệp của cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ, từ canh tác truyền thống sang nông nghiệp hiện đại.
Mô hình hợp tác trồng sầu riêng VietGAP không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường, nâng tầm thương hiệu nông sản địa phương, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.
Minh Hoa (t/h)