Gia Lai: Hỗ trợ trẻ mầm non kỹ năng sớm thích nghi khi học trực tiếp
Sở GD&ĐT Gia Lai đề nghị các cơ sở giáo dục phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình nắm bắt tâm lý, hỗ trợ trẻ về kỹ năng sớm thích nghi, ổn định tham gia các hoạt động giáo dục trực tiếp ở trường.
Ngày 18/4, Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết đã có Công văn về việc tổ chức hoạt động giáo dục trực tiếp đảm bảo an toàn cho trẻ tại các cơ sở giáo dục Mầm non.
Theo đó, Sở GD&ĐT Gia Lai đề nghị Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục Mầm non khẩn trương rà soát, triển khai thực hiện nghiêm túc và thường xuyên đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó, đảm bảo điều kiện an toàn cho trẻ, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Đồng thời, tuyên truyền, giúp phụ huynh yên tâm khi cho trẻ đến trường học trực tiếp.
Sở cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm công tác bảo đảm an toàn và phòng chống bạo hành, bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục Mầm non. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trẻ tăng cường nắm bắt diễn biến tâm lý, tư vấn tâm lý kịp thời, hỗ trợ trẻ về kỹ năng sớm thích nghi, ổn định việc tham gia các hoạt động giáo dục trực tiếp ở trường.
Bên cạnh đó, tổ chức rà soát nội dung chương trình, mức độ cần đạt của từng độ tuổi để điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương. Ngoài ra, thực hiện tinh giản, tích hợp nội dung giáo dục phù hợp để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo quy định và mục tiêu, nội dung của Chương trình nhằm hoàn thành nhiệm vụ giáo dục năm học 2021-2022.
Đặc biệt quan tâm đến chất lượng giáo dục trẻ mẫu giáo 5 tuổi để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp, đáp ứng yêu cầu các chỉ số của Bộ, sẵn sàng tâm thế cho trẻ bước vào lớp Một.
Cũng theo Sở GD&ĐT Gia Lai, theo quy định về khung thời gian năm học 2021-2022, các cơ sở giáo dục mầm non có thể kết thúc năm học trước ngày 31/5/2022. Đối với các cơ sở giáo dục Mầm non phải cho trẻ nghỉ ở nhà thời gian dài để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nếu cần thiết làm văn bản đề xuất kéo dài thời gian kết thúc năm học. Từ đó, có thời gian củng cố, tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho trẻ nhằm hoàn thành mục tiêu Chương trình giáo dục Mầm non.
Dung Nguyễn