Gia Lai: Khởi công 2 dự án điện gió với tổng mức đầu tư trên 3.600 tỷ đồng
Ngày 24/9/2020, tại xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã cùng khởi công 2 dự án điện gió công suất lớn với tổng mức đầu tư trên 3.600 tỷ đồng, với sản lượng điện bình quân mỗi năm khoảng 319 triệu kW, doanh thu trên 627 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước (bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp và VAT) là 125 tỷ đồng.
Cụ thể, Dự án nhà máy điện gió phát triển Miền núi của Công ty Cổ phần Điện gió Chư Prông có mức đầu tư gần 1.900 tỷ đồng, công suất 50 MW, sản lượng điện bình quân 157 triệu kWh điện/năm; Dự án nhà máy điện gió chế biến Tây Nguyên của Công ty Cổ phần Năng lượng gió Chư Prông có mức đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, công suất 50 MW, sản lượng điện bình quân 162 triệu kWh điện/năm.
Đại diện cho các nhà đầu tư, bà Nguyễn Thị Sen đánh giá, đây là 2 dự án năng lượng gió có công suất lớn trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung, huyện Chư Prông nói riêng sử dụng năng lượng sạch, tổng mức đầu tư lớn, có khả năng mang lại lợi nhuận ổn định. Cả 2 dự án đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Bộ Công Thương, UBND tỉnh Gia Lai, các ngành liên quan… tạo ra cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp, gắn với xu hướng phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt là khả năng đóng góp vào nguồn ngân sách địa phương… Cả 2 dự án này không chỉ là nguồn năng lượng xanh mà doanh nghiệp sẽ xây dựng tại đây thành nơi tham quan, du lịch cho du khách với những cơ sở hạ tầng thuận lợi có sẵn cùng với hàng trăm ha đồi chè bạt ngàn màu xanh…
Ông Bùi Văn Tiến, đại diện cho đơn vị tư vấn, thiết kế, đánh giá, đây là khu vực được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên gió. Vận tốc gió trung bình đạt từ 6,5 đến trên 7 m/s, khá lý tưởng cho việc phát triển điện gió. Về hạ tầng lưới điện cũng rất thuận lợi, khi dự án được phát điện, dự kiến vào tháng 6/2021 sẽ được đấu nối hệ thống tuyền tải điện 110kV mạch Diên Hồng (TP. Plei Ku) - huyện Chư Sê, góp phần tự chủ về nguồn phát điện từ địa phương, đóng góp vào nguồn năng lượng điện của cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ khởi công, ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - đánh giá: Hai dự án này đánh dấu sự tăng trưởng về nguồn năng lượng sạch của tỉnh. Gia Lai cũng là một địa phương đi tiên phong trong việc qui hoạch phát triển năng lượng sạch với 2 loại hình điện gió và điện năng lượng mặt trời, được Bộ Công Thương thống nhất đưa vào quy hoạch chiến lược phát triển điện trong tương lai với công suất rất lớn, lên đến 25.000 MW và đã được Chính phủ phê duyệt giai đoạn đầu 1.200 MW về chủ trương đầu tư, do đó sắp tới sẽ có nhiều dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời có công suất lớn trên địa bàn tỉnh Gia Lai tiếp tục được khởi công với tổng mức đầu tư giai đoạn này khoảng 45 ngàn tỷ đồng.
Gia Lai không chỉ có tiềm năng lớn về năng lượng gió, năng lượng mặt trời mà còn là địa phương có các vùng nguyên liệu nông sản lớn, do đó tỉnh sẽ tiếp tục tạo thuận lợi, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu vào lĩnh vực chế biến để tăng giá trị sản phẩm. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực, đã có doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu cà phê chế biến vào thị trường này với ưu đãi về thuế. Như vậy, Gia Lai có rất nhiều cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực, trong đó có cả việc khai thác năng lượng gió, năng lượng mặt trời để phát triển nguồn điện xanh, sạch, chế biến nông sản xuất khẩu… mở ra cơ hội phát triển cho doanh nghiệp, người nông dân, kinh tế địa phương…