Gia Lai: Không để lọt vào cấp ủy các cấp những cán bộ có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực
Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại Hội nghị giao ban công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực 9 tháng, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm.
Các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh (Ban Chỉ đạo); Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu chính còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan tham mưu, giúp việc cho Tỉnh ủy. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu Tỉnh ủy đến điểm cầu UBND tỉnh và các điểm cầu cấp huyện, xã trong toàn tỉnh.
Phát hiện 67 đơn vị sai phạm về tài chính
Đồng chí Võ Thanh Hùng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh đã ban hành và triển khai chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2024 về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với 9 cấp ủy đảng. Đến nay, đã hoàn thành và kết luận giám sát đối với 6 cấp ủy đảng. Trong kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh giao Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc, tham mưu chỉ đạo xử lý 24 vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo; đến nay, đã giải quyết xong 5 vụ án, vụ việc.
Các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động. Thực hiện nghiêm quy chế chi tiêu nội bộ, quy định về định mức, tiêu chuẩn trong quản lý hành chính về sử dụng tài chính, tài sản công gắn với thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý kinh tế-xã hội, phòng ngừa tham nhũng, duy trì và triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mới để tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tra cứu, thực hiện.
Ông Trần Hữu Đức-Chánh Thanh tra tỉnh-cho biết: Ngành Thanh tra của tỉnh đã triển khai thực hiện 111 cuộc thanh tra hành chính tại 355 đơn vị; đã kết thúc và kết luận 81 cuộc tại 300 đơn vị. Qua thanh tra, phát hiện sai phạm về tài chính tại 67 đơn vị với tổng số tiền hơn 23 tỷ đồng. Trong đó, kiến nghị nộp ngân sách số tiền 22,7 tỷ đồng, kiến nghị khác số tiền 319 triệu đồng. Hiện đã thu hồi, nộp vào ngân sách số tiền hơn 12 tỷ đồng; tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với 35 tập thể, 176 cá nhân; chuyển hồ sơ 3 vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, tiêu cực sang Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp để tiếp tục xác minh, làm rõ. Toàn tỉnh triển khai 23 cuộc thanh tra tại 33 đơn vị về thực hiện pháp luật về phòng-chống tham nhũng, tiêu cực; đã kết luận 17 cuộc tại 27 đơn vị. Qua thanh tra cũng đã phát hiện một số thiếu sót, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp
Thời gian qua, công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực đã được cấp ủy đảng các cấp, địa phương, đơn vị triển khai quyết liệt, đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế, vướng mắc cần tìm giải pháp để khắc phục. Phát biểu gợi ý các đại biểu thảo luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn cho rằng: Các đại biểu cần tập trung phân tích những vướng mắc, tìm giải pháp để tháo gỡ; công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực cần gắn với việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp.
Một trong những vấn đề mà các đại biểu quan tâm là việc thực hiện các kết luận, thanh tra, kiểm tra của các cấp. Từ đầu năm đến nay, Cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 17 tổ chức Đảng, 109 đảng viên; kiểm tra theo Điều 30 Điều lệ Đảng đối với 358 tổ chức Đảng, 3.108 đảng viên; giám sát chuyên đề 412 tổ chức Đảng, 1.683 đảng viên. Qua đó, đã thi hành kỷ luật 6 tổ chức Đảng, 354 đảng viên bằng các hình thức và đề nghị cấp có thẩm quyền khai trừ 1 đảng viên ra khỏi Đảng; chuyển hồ sơ 1 vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, tiêu cực sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Phạm Văn Cường-Bí thư Huyện ủy Đức Cơ-cho biết: Thời gian qua, huyện Đức Cơ đã triển khai các giải pháp để phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Qua công tác kiểm tra, thanh tra, huyện đã khiển trách 29 trường hợp, cách chức 1 và cảnh cáo 3 trường hợp. Thực hiện kết luận của Thanh tra tỉnh, đến nay, các đơn vị liên quan đã khắc phục được 1 tỷ đồng, số tiền còn lại đang đôn đốc thực hiện. Về kiến nghị giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, Bí thư Huyện ủy Đức Cơ cho rằng: Thời gian tới, cần triển khai công tác tự kiểm tra, thanh tra trong nội bộ để phát hiện dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nêu gương, công khai minh bạch việc sử dụng tài chính, tài sản công.
Tại hội nghị, một trong những vấn đề được nêu lên là tình trạng tham nhũng, tiêu cực không chỉ diễn ra trong khối các cơ quan nhà nước mà còn diễn ra tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Thiếu tướng Rah Lan Lâm- Giám đốc Công an tỉnh nêu ví dụ: Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tố tụng tỉnh thụ lý giải quyết 39 vụ/84 bị can, bị cáo; đến nay, đã truy tố 16 vụ/35 bị can, xét xử 14 vụ/20 bị cáo. Số lượng vụ án và bị can, bị cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp thụ lý, xác minh, điều tra 20 tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố. Đến nay, đã khởi tố vụ án hình sự đối với 9 tin báo. Một số vụ án xảy ra tại cấp xã và thuộc khu vực ngoài Nhà nước như: vụ án Đặng Ngọc Dũng chiếm đoạt tiền tại UBND xã Kdang, huyện Đăk Đoa; vụ Quách Duy Phụng có hành vi tham ô tài sản tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhật Hoàng Solar, thị xã An Khê. Từ đó, Giám đốc Công an tỉnh kiến nghị: Thời gian tới, cần tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát trong cơ quan, đơn vị. Bản thân người đứng đầu các địa phương, đơn vị phải thực sự nêu gương, công khai, dân chủ. Đặc biệt là đối với các lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản, tài chính công, xây dựng cơ bản… “Nếu chúng ta tự thanh tra, kiểm tra phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời thì sẽ hạn chế được việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra”-Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn đề nghị các cơ quan, địa phương, đơn vị tập trung triển khai công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực gắn với công tác chuẩn bị đại hội Đảng cấp cấp, kiên quyết không để lọt vào cấp ủy các cấp những trường hợp tham nhũng, tiêu cực. Tập trung rà soát nhân sự các cấp về thực hiện các kết luận của Ban Thường vụ, kết luận kiểm tra, thanh tra trong vòng 10 năm trở lại đây xem đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chưa. Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, lấy phòng ngừa là chính; công khai minh bạch, phát huy dân chủ trong các cơ quan, đơn vị. “Để thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra năm 2024, xây dựng kế hoạch cho năm 2025, cấp ủy, người đứng đầu các cấp cần tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ cơ quan mình để phát hiện tham nhũng, tiêu cực; chống tham nhũng ngay trong các cơ quan phòng-chống tham nhũng”-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh.