Gia Lai mít tinh phòng-chống bệnh dại

Sáng 20-5, tại thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), Sở Y tế phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ mít tinh phòng-chống bệnh dại năm 2025.

Tham dự lễ mít tinh có lãnh đạo Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc; Sở Nông nghiệp và Môi trường và các đơn vị trực thuộc; Sở Giáo dục và Đào tạo; đại diện UBND huyện Đức Cơ, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đông đảo người dân, học sinh ở huyện Đức Cơ.

 Quang cảnh Lễ mít tinh phòng-chống bệnh dại năm 2025. Ảnh : CTV

Quang cảnh Lễ mít tinh phòng-chống bệnh dại năm 2025. Ảnh : CTV

Tại tỉnh Gia Lai, công tác phòng-chống bệnh dại đã được quan tâm đẩy mạnh và đạt một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, bệnh dại vẫn luôn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có số tử vong cao nhất.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh , năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 14 ca tử vong do bệnh dại; năm 2024 ghi nhận 9 ca, riêng 4 tháng đầu năm 2025 toàn tỉnh ghi nhận 4 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại. Cả 4 ca đều không tiêm phòng vắc xin, huyết thanh kháng dại. Trước những diễn biến phức tạp của bệnh dại tại tỉnh, việc tăng cường các hoạt động phòng- chống bệnh dại là hết sức cần thiết.

Năm nay, huyện Đức Cơ được chọn làm điểm tổ chức mít tinh phòng- chống bệnh dại bởi đây là huyện trọng điểm về bệnh dại với 5 trường hợp tử vong trong 2 năm 2023 và 2024. Việc tổ chức mít tinh nhằm góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong phòng-chống bệnh dại và tiến tới giảm thiểu số người mắc và tử vong do bệnh dại thời gian tới.

Phát biểu tại lễ mít tinh, ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại; nguồn bệnh là các động vật có vú máu nóng mà chủ yếu là chó và mèo. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng-chống bệnh dại.

 Ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh phát biểu tại lễ mít tinh. Ảnh: CTV

Ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh phát biểu tại lễ mít tinh. Ảnh: CTV

Mặc dù ngành Y tế, ngành Thú y đã có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện các hoạt động phòng-chống bệnh dại, cùng với sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp của các cấp chính quyền địa phương nhưng số tử vong do bệnh dại vẫn ở mức cao. 4 tháng đầu năm 2025, cả nước ghi nhận 34 ca mắc và tử vong do dại trên 18 tỉnh/thành phố; trong đó Gia Lai là một trong 2 tỉnh có số ca tử vong cao nhất (4 ca).

“Trong bối cảnh số lượng chó nuôi trong các hộ dân ngày càng nhiều, việc quản lý đàn chó nuôi chưa chặt chẽ, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó còn thấp. Các trường hợp tử vong hầu hết do không tiêm phòng vắc xin sau khi bị chó, mèo dại cắn. Bên cạnh đó cũng có một bộ phận người dân sau khi bị chó, mèo cắn không đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng dại mà tìm đến các thầy lang để bốc thuốc chữa bệnh theo phương pháp dân gian chưa được Bộ Y tế công nhận hoặc thờ ơ, chủ quan.

Để hướng đến mục tiêu phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và nhà nước, đòi hỏi phải có cam kết chính trị dựa trên nền tảng vững chắc của các dịch vụ y tế và thú y, tầm quan trọng của công tác phối hợp liên ngành theo phương pháp tiếp cận một sức khỏe để triển khai hiệu quả công tác phòng-chống bệnh dại”- ông Nam nhấn mạnh.

 Tại lễ mít tinh, đại diện lãnh đạo UBND huyện và các Sở, ban, ngành, đoàn thể tham dự cùng ký cam kết chung tay phòng-chống bệnh dại. Ảnh: CTV

Tại lễ mít tinh, đại diện lãnh đạo UBND huyện và các Sở, ban, ngành, đoàn thể tham dự cùng ký cam kết chung tay phòng-chống bệnh dại. Ảnh: CTV

Tại lễ mít tinh, đại diện lãnh đạo UBND huyện và các Sở, ban, ngành, đoàn thể tham dự cùng ký cam kết chung tay phòng-chống bệnh dại; thống nhất chung tay, phối hợp giữa các đơn vị, ban, ngành và cả cộng đồng cùng nhau đẩy lùi bệnh dại bằng 2 biện pháp: Đối với ngành Thú Y, phối hợp với chính quyền các địa phương để tăng cường công tác quản lý đàn chó, mèo. Đặc biệt là tăng tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại ở đàn chó, mèo hàng năm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn trên từng địa bàn được tiêm phòng dại từ năm 2024 theo Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14-3-2024.

Đối với ngành Y tế, đảm bảo 100% người bị chó dại cắn phải được xử lý vết thương đúng theo hướng dẫn và tiêm vắc xin, huyết thanh phòng dại đúng theo quy định; tăng cường các hoạt động truyền thông để mọi người dân biết chỉ có một biện pháp duy nhất để phòng bệnh dại là khi bị chó, mèo nghi dại cắn phải được tiêm phòng vắc xin, huyết thanh kháng dại; các biện pháp chữa bệnh bằng gia truyền, thuốc nam... hoàn toàn không có tác dụng để phòng và chữa bệnh dại.

 Dịp này, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đức Cơ và Phòng Khám Thú y GALAPET Gia Lai đã tiêm phòng vắc xin dại miễn phí cho chó, mèo trên địa bàn huyện Đức Cơ. Ảnh: CTV

Dịp này, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đức Cơ và Phòng Khám Thú y GALAPET Gia Lai đã tiêm phòng vắc xin dại miễn phí cho chó, mèo trên địa bàn huyện Đức Cơ. Ảnh: CTV

Dịp này, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đức Cơ và Phòng Khám Thú y GALAPET Gia Lai đã tiến hành tiêm phòng vắc xin dại miễn phí cho chó, mèo; đồng thời các đơn vị liên quan cũng phối hợp tư vấn truyền thông về các phương pháp phòng-chống bệnh dại trên người.

Sau lễ mít tinh, các ban, ngành, đoàn thể đã tổ chức diễu hành trên các trục đường chính và các khu dân cư đông đúc ở huyện Đức Cơ nhằm tuyên truyền lưu động, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phòng-chống bệnh dại.

NHƯ NGUYỆN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gia-lai-mit-tinh-phong-chong-benh-dai-post323922.html