Gia Lai muốn dự án điện gió được hưởng theo cơ chế giá FIT thêm 1 năm
Tỉnh Gia Lai đề xuất Thủ tướng xem xét, cho phép tỉnh được hưởng cơ chế giá bán điện đối với các dự án điện gió theo cơ chế giá FIT tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ đến hết năm 2022.
Tỉnh Gia Lai là một trong các tỉnh của cả nước có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có. Ngoài nguồn năng lượng từ thủy điện được coi là ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh, các nguồn năng lượng khác như điện mặt trời, điện gió là có thể khai thác và sử dụng trong thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh.
Gia Lai có 4 khu vực tiềm năng để phát triển điện gió với quy mô công suất có thể đạt khoảng 11.950 MW. Trong khi đó, tỉnh này được Tổng cục Năng lượng và Cơ quan hợp tác phát triển Tây Ban Nha đánh giá có số giờ nắng bình quân từ 1.900-2.200 giờ/năm, bức xạ tổng cộng từ 335-380 kcal/cm2 và số liệu bức xạ mặt trời trung bình ngày đưa vào tính toán từ 4,6-5,2 kWh/m2/ngày. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các dự án điện mặt trời trên địa bàn, quy mô công suất có thể đạt khoảng 7.500 MW.
Để phát triển năng lượng tái tạo, so với các tỉnh khác, Gia Lai có lợi thế về khả năng đấu nối các dự án năng lượng này.
Tỉnh Gia Lai là một trong những nút quan trọng của cả nước để truyền tải công suất vào miền Nam khi thiếu điện. Mặt khác, từ hiện trạng và quy hoạch phát triển lưới điện truyền tải của tỉnh cùng với các dự án lưới điện 110 Kv và 220 Kv dự kiến triển khai trong năm 2020, có thể thấy khả năng đảm bảo công suất truyền tải giữa lưới điện 500 Kv, 220 Kv, 110 Kv của tỉnh với các tỉnh lân cận và hệ thống điện quốc gia ở mức cao, có khả năng giải phóng công suất của các dự án nguồn năng lượng tái tạo khoảng 450 MW.
Trước những lợi thế trên, tỉnh Gia Lai trong thời gian qua cũng đã quan tâm và chú trọng phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, hiện nay trên địa bàn tỉnh nhiều dự án điện năng lượng tái tạo đang được bổ sung vào quy hoạch.
Các dự án điện gió hiện gồm 1 dự án đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch và chủ trương đầu tư, với quy mô công suất là 50 MW; 59 dự án đã được UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch, với tổng quy mô công suất dự kiến là 8.478 MW; 29 dự án đã được UBND tỉnh cho phép khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, với tổng quy mô công suất dự kiến là 5.024 MW.
Về dự án điện mặt trời, hiện có 3 dự án đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch và chủ trương đầu tư, tổng quy mô công suất là 158 MWp; 12 dự án đã được UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch, tổng quy mô công suất là 805 MWp; 26 dự án đã được UBND tỉnh cho phép khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, tổng quy mô công suất dự kiến là 4615,5 MWp, với diện tích đất khảo sát là 6747,9 ha.
Để phát triển nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, Gia Lai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương thống nhất và phê duyệt một số phương án đấu nối (đấu gom các dự án năng lượng tái tạo) để giải phóng công suất. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cũng đề xuất Thủ tướng xem xét, cho phép tỉnh được hưởng cơ chế giá bán điện đối với các dự án điện gió theo cơ chế giá FIT tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ (tương đương 8.5 Uscent/kWh, có hiệu lực đến ngày 1/11/2021) đến hết năm 2022.