Gia Lai: Ngành giáo dục vùng khó nỗ lực 'Dạy tốt – Học tốt'

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng trong 5 năm qua ngành giáo dục tỉnh Gia Lai luôn cố gắng, nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT của tỉnh ngày càng được nâng cao.

Nâng cao chất lượng dạy và học

Năm học 2019-2020, Sở GD&ĐT Gia Lai tập trung công tác quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư xây dựng, sửa chữa và nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, tăng cường thí nghiệm, thực hành. Tỉnh Gia Lai đã đề ra mục tiêu đến cuối năm 2020, đạt 50% trường đạt chuẩn quốc gia.

Tỉnh Gia Lai có tổng số giáo viên, nhân viên toàn ngành là 25.151 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (tính cả ngoài công lập) từ Mầm non, phổ thông đến CĐ, TCCN. Trong đó có 6 tiến sĩ, 480 thạc sĩ, 37 Nhà giáo Ưu tú. Chất lượng đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm tỉ lệ 62% ở các cấp học.

Về trường chuẩn Quốc gia, đến nay toàn tỉnh có 373/758 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 49,21% (tăng 217 trường so với năm 2015). Bên cạnh đó, tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 88,7% (chỉ tiêu giao năm 2020: 89%), tăng 0.5% so với cùng kỳ năm 2019. Đồng thời tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở cấp THCS đạt 90,75% (chỉ tiêu giao năm 2020: 91,5%), tăng 2.25% so với cùng kỳ năm 2019.

Thầy và trò điểm trường A Lao (Trường tiểu học xã Lơ Pang, Mang Yang, Gia Lai).

Thầy và trò điểm trường A Lao (Trường tiểu học xã Lơ Pang, Mang Yang, Gia Lai).

Ngành giáo dục tỉnh Gia Lai cũng đã triển khai dạy học Tiếng Anh hệ 10 năm đối với cấp THCS. Qua đó, có 15 phòng GDĐT tham gia triển khai dạy Tiếng Anh 10 năm với tổng số lớp 6 là 70 lớp (tăng 02 lớp so với năm học 2018-2019).

Đội ngũ giáo viên dạy Tiếng Anh các cấp là 1082 giáo viên, trong đó đạt chuẩn B1 là: 33 giáo viên, đạt chuẩn B2 là 720 giáo viên; đạt chuẩn C1 là 240, đạt chuẩn C2 là 01 giáo viên. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân”.

Công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, hàng năm toàn tỉnh có từ 76-80% số học sinh tốt nghiệp THCS được vào học tiếp THPT, GDTX và có khoảng 20-24% số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề, vừa làm vừa học nghề và vào các trường TCCN.

Trong 5 năm qua, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT của tỉnh Gia Lai ngày một tăng. Theo đó, năm 2016, tỷ lệ đậu tốt nghiệp đạt 88.74%. Tuy nhiên đến năm 2020 con số đậu tốt nghiệp tăng lên 97.53%.

Ưu tiên đầu tư con người và cơ sở vật chất

Trong năm học 2020-2021, ngành GD&ĐT Gia Lai tiếp tục cố gắng, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn hạn chế trong năm học 2019-2020. Bên cạnh đó, toàn ngành tiếp tục thi đua, triển khai thực hiện đồng bộ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 05 giải pháp cơ bản theo Chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm năm học 2020-2021. Đồng thời thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và triển khai chương trình, sách giáo khoa mới từ năm học 2020-2021.

Trong năm học mới, ngành GD&ĐT Gia Lai cũng ưu tiên mọi nguồn lực tập trung sửa chữa nâng cấp, bổ sung, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên cho các trường nằm trong lộ trình xây dựng trường chuẩn Quốc gia trong giai đoạn 2020-2025. Đồng thời, duy trì, nâng cao chất lượng Phổ cập giáo dục – Xóa mù chữ. Tiếp tục phát triển mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua do ngành phát động, đặc biệt là phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”, “Trường xanh - sạch - đẹp - an toàn” “Nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp THPT ”, “Huy động và Duy trì sỹ số học sinh”.

Học sinh ở Gia Lai vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Học sinh ở Gia Lai vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Sở GD&ĐT cũng xác định được một số khó khăn. Trong đó, hệ thống trường, lớp còn nhiều điểm lẻ, khoảng cách giữa các điểm trường xa, giao thông đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều trường tiểu học xây dựng đã lâu năm phòng học xuống cấp chưa được đầu tư sửa chữa, tỉ lệ phòng học/lớp chung toàn tỉnh chỉ đạt 0,93 phòng/lớp.

Không những vậy, các trường còn thiếu phòng chức năng Tiếng Anh, Tin học, phòng giáo dục nghệ thuật... Ngoài ra, biên chế giao cho sự nghiệp giáo dục không đủ theo định mức do Bộ GD&ĐT quy định. Theo đó, so với định mức tỉnh Gia Lai thiếu 2.433 giáo viên và hơn 1.500 nhân viên.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/gia-lai-nganh-giao-duc-vung-kho-no-luc-day-tot-hoc-tot-baa25epMg.html