Gia Lai: Người dân nô nức đi lễ chùa, tảo mộ đầu năm
Đã thành thông lệ, từ sáng sớm ngày mùng 1 Tết, từng dòng người nối nhau náo nức đổ về các chùa trên địa bàn TP. Pleiku nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung xin lộc đầu năm, cầu bình an và tảo mộ để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên.
Đi lễ chùa xin lộc đầu năm từ lâu đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân trong dịp Tết đến xuân về. Từ sáng sớm, trên các tuyến đường dẫn đến các chùa lớn trên địa bàn TP. Pleiku khá nhộn nhịp. Dòng người đổ về các chùa ngày càng đông để xin lộc, cầu bình an cho gia đình và người thân.
Hòa cùng dòng người hối hả, ông Lê Văn Trọng (278 Lê Duẩn, phường Thắng Lợi) và gia đình đến chùa Bửu Minh để cầu bình an. “Năm qua, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến đời sống gia đình nói riêng và của mọi người dân Việt Nam nói chung. Đầu năm, tôi đến chùa để xin lộc, cầu an cho bản thân và các thành viên trong gia đình. Bước sang năm Nhâm Dần, tôi xin gửi đến tất cả người dân Việt Nam một năm mới sức khỏe, vạn sự như ý. Cầu mong đại dịch Covid-19 nhanh chóng qua đi, nền kinh tế sớm phục hồi và đời sống người dân ngày càng được nâng cao”-ông Trọng vui vẻ nói.
Trong trang phục áo dài truyền thống, chị Nguyễn Thị Thanh (tổ 3, phường Hoa Lư) cũng cùng gia đình xuất hành đi lễ chùa đầu năm. Chị chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ sáng mùng 1 Tết là cả gia đình tôi lên chùa để xin lộc, cầu mong năm mới vạn sự bình an. Tôi cũng mong trong năm Nhâm Dần, dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi, để mọi người trở lại cuộc sống bình thường, có cuộc sống đầy đủ, no ấm hơn”.
Tết là dịp đoàn viên, sum họp. Dù có làm việc nơi xa, thì mọi người dân đất Việt đều nhớ về cội nguồn và thu xếp công việc để về với gia đình, quê hương. Và tất nhiên, họ không quên đi tảo mộ đầu năm nhằm tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên.
Năm nào cũng vậy, cứ sáng mùng 1 Tết là ông Tạ Long (tổ 7, phường Diên Hồng) lại cùng con cháu thăm mộ ông bà, tổ tiên. Ông cho biết: “Đây là một trong những phong tục cần gìn giữ của dân tộc ta. Lên thăm mộ ông bà không chỉ thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ đến người đã khuất mà còn để mời tổ tiên về ăn Tết với con cháu”.
Sau khi thành kính thắp nén hương cho người đã khuất, ông Huỳnh Văn Ba (tổ 3, phường Hội Thương) chia sẻ: “Ngày Tết có ý nghĩa rất thiêng liêng, đặc biệt đối với mỗi người con đất Việt, là dịp để mọi người tưởng nhớ công ơn ông bà, dòng tộc, cội nguồn. Dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng tôi vẫn tranh thủ ra viếng mộ, thắp hương tưởng nhớ người mẹ đã mất và mời mẹ về ăn Tết cùng với con cháu”.
Đối với dân tộc Việt, Tết là ngày thiêng liêng, để mọi người cùng sum họp, hướng về cội nguồn. Tục “đi chùa, tảo mộ” trở thành nét đẹp truyền thống tốt đẹp của bao thế hệ người dân Pleiku nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung. Nó không chỉ là cầu nguyện bình an hay thắp hương tưởng nhớ đến người đã khuất mà còn thể hiện sự hiếu nghĩa của một gia đình, một dòng tộc mỗi dịp Tết đến, xuân về.