Gia Lai: Nhiều giải pháp phát triển lâm nghiệp bền vững
'Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu' là 1 trong 4 chương trình trọng tâm được Đảng bộ tỉnh Gia Lai đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân với những giải pháp đồng bộ, thiết thực.
Hiệu quả bước đầu
Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững là hướng đi đúng đắn của tỉnh trong nhiều năm qua. Nhờ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của kế hoạch tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, trong 5 năm (2016-2020), diện tích rừng trồng mới trên toàn tỉnh đạt 25.271 ha, bằng 276,5% so với kế hoạch, gấp 6,3 lần so với Nghị quyết đề ra; góp phần nâng độ che phủ rừng (kể cả cao su và các cây đặc sản khác) lên 46,7%. Diện tích rừng khoán quản lý đến năm 2020 đạt 153.890 ha (tăng 25.906 ha so với năm 2015). Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cũng được các ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo.
Kbang là một trong những địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn của tỉnh với hơn 128.000 ha (chiếm gần 70% diện tích tự nhiên), phân bố ở 13/14 xã, thị trấn. Trong đó, rừng tự nhiên hơn 122.000 ha, rừng trồng hơn 1.800 ha và đất chưa có rừng là 4.300 ha. Đứng chân trên địa bàn huyện có 14 đơn vị chủ rừng, gồm 7 công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ xã Nam, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới và 3 xã: Đông, Kon Pne, Nghĩa An.
Xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, những năm qua, UBND huyện tập trung chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, lực lượng chức năng cũng như đơn vị chủ rừng triển khai quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên, liên tục các giải pháp; đồng thời huy động cả hệ thống chính trị cùng nhân dân tham gia công tác này.
Phát biểu tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI mới đây, ông Phan Trần Thọ-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kbang-cho hay: “Nhờ việc chỉ đạo triển khai một số giải pháp mang tính đột phá trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nên lĩnh vực này đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Phần lớn các vụ vi phạm đều được phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, từng bước ngăn chặn tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển và lấn, phá rừng làm nông nghiệp trái pháp luật; tạo được niềm tin trong nhân dân, góp phần bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng bền vững. Việc giao khoán bảo vệ rừng cũng đã phát huy tinh thần, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng”.
Tương tự, công tác chăm sóc, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng được huyện Kông Chro chú trọng. Đây cũng là địa phương đi đầu toàn tỉnh về tiến độ thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và triển khai trồng rừng. Trong 5 năm (2015-2020), huyện đã thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và tiến hành trồng mới gần 4.000 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 55,76%. Đặc biệt, chủ trương trồng rừng nhận được sự đồng thuận và tích cực tham gia từ phía người dân.
Anh Đinh Văn Poi (làng Tnùng 1, xã Ya Ma, huyện Kông Chro) chia sẻ: “Sau khi được chính quyền xã, Hạt Kiểm lâm huyện vận động kê khai đất lâm nghiệp để chuyển sang trồng rừng, gia đình mình đã tự nguyện chuyển 1 ha đất trồng lúa cạn sang trồng bạch đàn vào năm 2017. Dù đất đồi núi nhưng cây rừng phát triển rất tốt, mình hy vọng đến thời kỳ khai thác sẽ cho sản lượng cao”.
Cũng theo anh Poi, nhiều hộ dân trong làng chuyển sang trồng rừng, nhiều hộ có thu nhập khá nhờ trồng rừng. Do đó, thời gian tới, anh sẽ tiếp tục chuyển phần diện tích trồng lúa cạn kém hiệu quả sang trồng rừng để vừa có thu nhập cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Hướng đến những mục tiêu cao hơn
Phát huy những kết quả đạt được, các ngành, địa phương và đơn vị liên quan đều thể hiện quyết tâm thực hiện hiệu quả chương trình trọng tâm “Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu” mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đồng chí Trần Quốc Vượng-Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng-nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Gia Lai phải tăng cường bảo vệ, phát triển rừng, phấn đấu nâng độ che phủ rừng lên trên 50%. Tỉnh cần xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà trước mắt là giữ rừng, bảo đảm tái sinh rừng, phục hồi nhanh hệ sinh thái rừng bền vững, trong đó có hệ sinh thái rừng đặc trưng Kon Hà Nừng. Việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng không chỉ là bảo vệ cuộc sống của đồng bào trong tỉnh mà còn góp phần quan trọng bảo vệ an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên.
Để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Kbang lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020-2025) cũng xác định đây là 1 trong 4 chương trình trọng tâm. Theo đó, huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; xây dựng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả nghị quyết chuyên đề về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn và phát triển vốn rừng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đồng thời, huyện tiếp tục triển khai các giải pháp đột phá đã thực hiện khá hiệu quả trong thời gian qua.
“Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định chỉ tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 70,13% năm 2020 lên 70,5% vào cuối năm 2025. Để triển khai thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu này, huyện sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác trồng rừng mới, trồng rừng thay thế, trồng lại rừng trên diện tích rừng trồng sau khai thác. Trong đó, chú trọng trồng mới rừng trên quỹ đất nương rẫy có độ dốc lớn, bạc màu, quỹ đất trên cốt ngập lòng hồ Ka Nak, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để trồng rừng; trồng cây mắc ca, cây giổi xanh xen canh cây nông nghiệp; nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội, môi trường đối với rừng sản xuất; khai thác có hiệu quả, hợp lý các nguồn lợi từ rừng; thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập của người dân từ tài nguyên rừng”-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kbang thông tin.
Bên cạnh chăm sóc tốt diện tích rừng hiện có, huyện Kông Chro cũng sẽ tiếp tục phủ xanh những diện tích đất còn khả năng phát triển lâm nghiệp. “Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, toàn huyện trồng mới được trên 2.100 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 56%. Cùng với đó, huyện sẽ đẩy mạnh công tác giao đất trồng rừng, giao khoán và bảo vệ rừng cho người dân sống và sản xuất gần rừng để hạn chế nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng; tập trung hỗ trợ, khuyến khích người dân tại các xã phía Đông của huyện là Đak Pling, Đak Song, Sró và Đak Kơ Ning phát triển kinh tế rừng; qua đó giúp người dân tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống”-ông Phan Văn Trung-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-nhấn mạnh.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 trồng mới 40.000 ha rừng (tương đương mỗi năm trồng khoảng 8.000 ha), nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,75%. Để đạt được điều đó, tỉnh sẽ khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp trồng rừng gắn với chế biến gỗ rừng trồng và sinh kế dưới tán rừng.
Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh đã trồng mới trên 25.000 ha rừng (gấp 6,3 lần so với Nghị quyết). Đây được xem là thành công rất lớn không phải tỉnh nào cũng làm được, tạo tiền đề cho nhiệm kỳ mới.
Từ chương trình trọng tâm đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, ngành sẽ tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh huy động các nguồn lực để tập trung đầu tư nâng cao hạ tầng sản xuất lâm nghiệp; cùng với các doanh nghiệp hỗ trợ người dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC (hệ thống các tiêu chuẩn chứng nhận nguồn gốc gỗ cho các nhà khai thác-P.V) để thuận lợi gia nhập thị trường gỗ của thế giới; hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp phối hợp với nhau để hình thành các nhà máy thu mua nguyên liệu mà người dân sản xuất ra; đồng thời, tăng cường năng lực hỗ trợ cho lực lượng tham gia quản lý, bảo vệ rừng và trồng rừng, kể cả người dân. Mục đích hướng đến là nhằm nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; tạo sinh kế cho bà con vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa thông qua phát triển kinh tế xanh, kinh tế rừng.