Gia Lai: Nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đặt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hàng năm là 7,94%. Ngành Công thương đang cùng với các doanh nghiệp, địa phương triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm thực hiện chỉ tiêu này.
Xuất khẩu tăng trưởng khả quan
Những năm qua, hoạt động xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng khả quan. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 14,38%/năm. Dự ước tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 580 triệu USD.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu là khu vực châu Âu và châu Á. Trong đó, thị trường châu Âu chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu với mặt hàng chủ yếu là cà phê nhân, sản phẩm gỗ; thị trường châu Á chiếm khoảng 30% với các sản phẩm như: tiêu hạt, hạt điều, sản phẩm gỗ, cà phê nhân.
Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Toàn tỉnh hiện có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm: cà phê, cao su, mì lát, hồ tiêu, sản phẩm gỗ… đã có mặt ở thị trường của gần 40 quốc gia trên thế giới. Một số ngành hàng đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản… Điển hình là cà phê với kim ngạch xuất khẩu trung bình trên 300 triệu USD/năm. Đặc biệt, trong những năm gần đây, giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông sản chiếm tỷ trọng khoảng 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Hiệp định Thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đang mở ra cơ hội cho hàng nông sản của tỉnh thâm nhập và mở rộng vào các thị trường mới”.
Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các mặt hàng nông sản, Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ Gia Lai đã xây dựng mối quan hệ làm ăn lâu dài với một số đối tác ở các nước Trung Đông. Ông Nguyễn Ngọc Minh-Phó Giám đốc Công ty-cho hay: “Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, năm 2013, Công ty đã xây dựng nhà máy chế biến hạt tiêu. Đồng thời, Công ty đang hoàn tất các thủ tục làm đầu mối xuất khẩu gạo tại Gia Lai. Đây là định hướng để Công ty mở rộng thêm mặt hàng mới”.
Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho biết: Hàng năm, Vĩnh Hiệp xuất khẩu 50-70 ngàn tấn cà phê với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 150 triệu USD. Đến nay, Công ty đã xuất khẩu qua hơn 50 quốc gia. Các nhà rang xay lớn tại châu Âu như: Nestle, Tchibo, Dek… cũng là những đối tác lâu năm của Vĩnh Hiệp.
“Vừa qua, Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được chọn xuất khẩu lô hàng gần 296 tấn cà phê sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA”-ông Thái Như Hiệp nói.
Hướng đến thị trường lớn
Với mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân 7,94% mỗi năm, ngành Công thương đã xây dựng các nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Ông Phạm Văn Binh cho rằng: Có rất nhiều giải pháp đồng bộ cần sớm được triển khai trong thời gian tới để đạt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đề ra. Bên cạnh thúc đẩy sản xuất để tạo nguồn hàng nông sản cho xuất khẩu, Gia Lai có lợi thế về đất đai để trồng rừng, nhiều doanh nghiệp có khả năng chế biến đồ gỗ xuất khẩu, do đó cần định hướng trồng rừng theo xu hướng gia tăng sản lượng gỗ phục vụ cho sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư để phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu nhằm tăng giá trị cho hàng nông sản xuất khẩu chủ lực.
Các doanh nghiệp cần chuyển đổi, cơ cấu lại sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu cho hàng hóa xuất khẩu. Cùng với đó, hỗ trợ xuất khẩu thông qua việc triển khai đồng bộ chính sách về tài chính, thuế, hải quan, xây dựng kho bãi, phát triển dịch vụ logistics; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cũng theo Giám đốc Sở Công thương, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tìm kiếm thị trường cho mặt hàng nông sản như: cà phê nhân, cà phê bột, hồ tiêu, điều, hoa quả, mì lát… và xác định cách thức hỗ trợ phù hợp tập trung cho nhóm hàng này.
Ngoài ra, ngành cũng sẽ quan tâm cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chứng nhận cần thiết cho hàng xuất khẩu như xây dựng thương hiệu, quy trình truy xuất nguồn hàng hóa, trình tự thủ tục cấp mã số vùng trồng, thủ tục thông quan hàng hóa, cấp giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa... Đặc biệt, từ tác động của các hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp của tỉnh sẽ có cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu ở mặt hàng nông sản, đồ gỗ với thuế suất 0%.