Gia Lai: Những bước chân không mỏi của các công nhân thi công suối Hội Phú
Dự án Kè chống sạt lở suối Hội Phú, TP. Pleiku là một điểm nhấn của thành phố đô thị loại I thuộc tỉnh Gia Lai, được đầu tư với mục tiêu giải quyết những vấn đề dân sinh và môi trường, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Một ngày nắng, ba ngày mưa…vắt chân lên mà chạy!
Theo đó, suối Hội Phú có chiều dài quy hoạch đi qua địa bàn 4 phường: Hội Phú, Hội Thương, Phù Đổng và Hoa Lư với tổng diện tích đất quy hoạch hơn 90 ha, chia làm 3 đoạn (đoạn 1 từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Nguyễn Trung Trực; đoạn 2 từ đường Nguyễn Trung Trực đến đường Nguyễn Lương Bằng; đoạn 3 từ đường Nguyễn Lương Bằng đến đường Cách Mạng tháng 8).
Giữa tháng 10, phóng viên có dịp trực tiếp theo chân các công nhân đang làm việc tại suối Hội Phú. Một không khí khẩn trương, tất bật dường như không có phút giây nghỉ ngơi hiện hữu nơi đây. Ai làm việc nấy, cứ thế nhộn nhịp kẻ đi lên, người đi xuống chạy đua với thời tiết khắc nghiệt để kịp tiến độ.
Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, mùa này “một ngày nắng, ba ngày mưa”, vì thế các đơn vị thi công đang tranh thủ từng giờ, từng phút để xây dựng công trình. Bởi theo họ, mưa xuống các đường vận chuyển sẽ bị ngập, lún, mọi phương tiện máy móc, cũng như con người sẽ không thể di chuyển được.
Một công nhân chia sẻ: “Đây là con suối lớn, nên khi làm bờ kè rất khó khăn trong quá trình vận chuyển nguyên, vật liệu. Xung quanh là bùn, đất mềm nên khi các máy múc, xe chở vật liệu xuống thường xuyên bị sa lầy. Khó khăn cứ thế, liên tục xuất hiện với địa hình và thời tiết nơi đây, vậy nhưng càng khó khăn anh em cùng quyết tâm cố gắng”.
Cùng với đó, hằng ngày, để có diện tích và vị trí đảm bảo cho các đơn vị thi công vào đầu giờ sáng làm việc, anh Trần Trọng Phú (Đội trưởng đội thi công), cứ 3 giờ sáng lại mò mẫn thức dậy, ra nổ máy bơm nước để hút hết nước ngầm xung quanh chảy ra trong buổi tối. Với kinh nghiệm làm trong lĩnh vực này gần 15 năm, bản thân anh thấy đây là bờ kè xây dựng vất vả nhất mà anh đã từng làm vì địa hình đất đai thổ nhưỡng rất “đặc biệt”.
“Tôi đã có kinh nghiệm làm bờ kè từ năm 2006 đến nay, đã từng thi công bờ kè sông Đăk Bla ở Kon Tum và nhiều bờ kè khác. Vậy nhưng, khi thi công kè này, nhận thấy suối Hội Phú khó khăn hơn rất nhiều vì vị trí địa lí không thuận lợi. Hai bên bờ kè là đất mượn nên dễ gây ra sạt lở”, anh Phú nhấn mạnh.
Được biết, Đội của anh Phú chia làm nhiều tổ (tổ lát, tổ thép, tổ bê tông). Việc xây dựng gặp nhiều khó khăn, khi suối quá sâu và chứa nhiều bùn nên phải đóng hệ thống cọc sâu đến 9m. Thời tiết mùa mưa và lượng nước ngầm cao, nên các hạng mục đôi lúc bị sạt lở, các công nhân phải làm xuyên đêm để tránh thiệt hại.
Quyết tâm thực hiện vì điểm nhấn của Phố núi Pleiku
Đã có rất nhiều ý kiến ủng hộ hay ngược chiều xuất hiện khi công trình mới triển khai. Vậy nhưng, có một thực tế không thể phủ nhận là tại các vị trí đã hoàn thiện của bờ Kè chống sạt lở của suối Hội Phú tạo nên điểm nhấn rất quan trọng của thành phố. Hàng loạt quán ăn uống hay khu vui chơi, giải trí sầm uất nổi lên về du lịch cùng với sự uốn lượn nhịp nhàng của bờ kè tạo nên một bức tranh hài hòa, thu hút một lượng lớn các du khách trong và ngoài tỉnh ghé đến. Đường thông, hè thoáng khí hậu trong lành xuất hiện khi dòng suối được cải tạo để hạn chế đến mức thấp nhất sự ô nhiễm do ý thức của người dân trước đây chở rác (chủ yếu là các vận dụng gia đình đã hư hỏng, hay phế liệu từ gạch, đá làm nhà) ra đổ xuống.
Trong chuyến đi thực tế này, phóng viên bắt gặp một đơn vị xây dựng có tiếng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đi tham khảo vị trí, địa hình để chung tay vào việc xây dựng suối Hội Phú, góp phần trong việc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện. Vậy nhưng, sau một buổi khảo sát kỹ lưỡng, đơn vị này đành lắc đầu và rút lui cũng bởi vì “độ khó” của đất đai, thổ nhưỡng nơi đây. Nói vậy để biết rằng, việc thi công công trình này không hề đơn giản. Ngoài việc đòi hỏi về kỹ thuật, thì sự kiên nhẫn, chịu khó và… biết vươn lên trước nghịch cảnh để hoàn thiện một công trình của điểm nhấn Phố núi trước sự soi xét của hàng nghìn người dân cũng như các ban ngành là điều rất quan trọng.
Ông Lưu Hồng Thái làm ở công trình này cho biết, trong thời gian này là đỉnh điểm của mùa mưa ở Tây Nguyên, nên đặc thù thi công ở suối khi mưa lũ về nước dâng, ngập nhanh, rất khó đưa được vật liệu đến nơi thi công. Cùng với đó, đây là vùng trũng của thành phố, xung quanh khu vực này là nhà dân sinh sống nên phải tìm mọi biện pháp để vừa làm vừa…đảm bảo chống ngập, lụt. Mặt khác, các đội thi công luôn tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi, làm tăng ca đến 2-3 giờ sáng để chạy đua với thời gian kịp tiến độ.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Dự án cũng đã gặp không ít khó khăn như người dân còn thiếu hợp tác trong việc đền bù giải phóng mặt bằng khi cho rằng khu vực đất này, sau khi làm xong dự án được bán đấu giá cao nên thường xuyên đòi tăng tiền đền bù. Cùng với đó, dịch bệnh Covid-19 xảy ra nên việc thi công diễn ra nhỏ lẻ, không tập trung để đảm bảo công tác phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng cũng như của các cấp chính quyền địa phương sở tại.
Khó khăn là vậy, nhưng với quyết tâm cao độ, sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP.Pleiku, cùng với việc tranh thủ từng giờ, từng phút của đơn vị thi công, chúng ta có niềm tin vào một Dự án hoàn chỉnh, kịp tiến độ đã đề ra. Từ đó, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố trẻ, năng động, hướng tới thành phố của Cao nguyên xanh vì sức khỏe, vì sự phát triển của toàn xã hội.