Gia Lai: Những 'chiêu trò' lừa đảo khiến hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số bỗng dưng...mất đất

Thời gian qua, một số đối tượng đã lợi dụng vào sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số để lừa đảo chiếm dụng đất đai. Hiện tượng này đang có dấu hiệu lan rộng tại tỉnh Gia Lai. Ghi nhận của Phóng viên THQHVN.

Phóng viên Nguyễn Hòa: Thưa quý vị, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xuất hiện tình trạng, các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người đồng bào dân tộc thiểu số để lừa đảo, chiếm đoạt quyền sử dụng đất và thậm chí đem đi cầm cố với lãi suất rất là cao.”

Câu chuyện xảy ra với gia đình ông Rơ Chăm Don, làng Bluk Blui, xã Ia Ka, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai có nhà và vườn trồng cà phê với tổng diện tích 6,6 sào. Gia đình vẫn đang làm ăn sinh sống bình thường trên đất của mình nhưng không ngờ toàn bộ diện tích này đang bị một người làm thủ tục để sang tên đổi chủ. Tất cả sự việc được gia đình ông biết khi các cơ quan chức năng đến báo tin để xác minh vụ việc. Điều đáng nói là gia đình ông trước đây chỉ vay mượn của người đó 45 triệu đồng để đầu tư sản xuất, và cầm cố vay mượn trong một thời gian chứ không phải là sang nhượng.

Ông RƠ CHĂM DON, làng Bluk Blui, xã Ia Ka, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai: “Mình cần tiền nên hỏi và hỏi nói có cho vay. Thì mình kẹt và nói nếu cho vay thì mình lấy sổ đỏ mình nhé. Đưa tiền đi lấy, mình cầm bên kia, con mình đau, mình rút bên kia về đưa cho nó. Nó nói để làm giấy tờ đã, ngân hàng bên này không biết ngân hàng gì đó ở Ya Le. Nó cứ gọi mình miết rồi đi về đi về, rồi nó cũng đưa tiền xăng thôi, 500 đưa tiền xăng cho mình.”

Cũng giống gia đình ông Rơ Chăm Don, làng Bluk Blui thì gia đình ông Rơ Chăm Dưnh, làng Mrong Ngó 3, xã xã Ia Ka, huyện Chư Pah cũng đã cho người thân mượn bìa đỏ để cầm vay thửa đất rẫy có diện tích 5 xào cà phê này. Nhưng trong quá trình vay mượn thì gia đình ông cũng đã bị lừa làm thủ tục sang tên đổi chủ nhưng không hề hay biết. Chỉ đến khi, đám người kia đến đòi nợ thì gia đình ông mới vỡ lẽ ra mình đã bị lừa bán đất.

Ông RƠ CHĂM DƯNH, làng Mrong Ngó 3, xã Ia Ka, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai: "Không biết, nó vay bao nhiêu chú cũng không biết, nó đưa cho tiệm cầm đồ vay, xong nó đi không biết nữa. Thằng đó lấy tiền xong đem xuống Ya Le. Mình sợ bị mất rẫy, con cái không có đất đai, mình chia cho các con. Cầm đồ lấy đất mình là mình chết.”

Theo các hộ này thì trong quá trình vay mượn, cầm cố, các đối tượng đã lừa mình đến các văn phòng đăng kí đất đai để làm thủ tục nhưng không được giải thích rõ nên đã làm thủ tục sang nhượng mà không hay biết.

Trong quá trình thực hiện thủ tục chuyển nhượng, sang tên đổi chủ cho người dân thì Văn phòng đăng kí đất đai huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai đã phát hiện ra nhiều trường hợp người dân đang bị lừa chiếm đoạt đất mà không hề hay biết. Điều đáng nói là vụ việc chỉ được phát hiện khi các cán bộ của văn phòng ở đây nghi ngờ và truy vấn các hộ đồng bào.

Ông HOÀNG ANH TUỆ - Giám đốc chi nhánh văn phòng đăng kí đất đai huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai: “Từ năm 2020 đến giờ trên 10 trường hợp, như ở Ya Tih 2 trường hợp, Ia Mnông 2 trường hợp là 4, Ia Ka 1 trường hợp là 5. Ia Khương là 4, 5 trường hợp. Nhất là Ia Khương không phải là lừa tại đây mà lừa vô tận Hà Tây vì đây là vùng 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Rồi Chư Đăng Ya thì bây giờ phát hiện 4, 5 trường hợp thôi, nhưng nó còn âm ỉ trong đó.”

Theo Văn phòng đăng kí đất đai huyện Chư Pah thì người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị sụp bẫy là do sự thiếu hiểu biết, chưa hiểu rõ được quyền và nghĩa vụ, cũng như các cụm từ trong thủ tục cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông HOÀNG ANH TUỆ - Giám đốc chi nhánh văn phòng đăng kí đất đai huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai: “Các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số bán đất thì phân tích cho họ hiểu rõ về cái nội dung kí cái hợp đồng này là cái gì, anh kí để vay vốn hay anh kí để bán đất. Từ chuyển nhượng là người địa phương ở đây họ không hiểu vì không biết là nó như thế nào. Người ta nói họ chỉ chuyển nhượng thôi chứ họ không bán. Cho nên họ không hiểu được chuyển nhượng và cái bán là như thế nào."

Bước đầu từ nguồn tin của người dân và của cơ quan chức năng, Công an huyện Chư Pah đã vào cuộc và đã khởi tố vụ án đối với một đối tượng và đang trong quá trình điều tra làm rõ.

Trung tá NGÔ NGỌC NAM - Đội trưởng đội điều tra tổng hợp, Công an huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai: “Tiếp nhận đơn thì đó là sự kết hợp giữa việc xử lý nguồn tin về đối tượng Vũ Thị Hằng - đối tượng có hành vi làm giả giấy tờ của cơ quan tổ chức liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì sau khi tiếp nhận nguồn tin đó, làm công tác vận động như vậy thì bây giờ chúng tôi tiến hành khởi tố vụ án về cái tội làm giả và sử dụng giấy tờ của cơ quan tổ chức.”

Theo thống kê của Công an tỉnh Gia Lai thì từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã khởi tố điều tra làm rõ 11 vụ với 27 đối tượng và số đất lừa đảo chiếm đoạt lên đến hơn 100 ha. Đây là một con số rất đáng báo động.

Qua trao đổi với Văn phòng đăng kí đất đai huyện Chư Pah, đơn vị thời gian qua tích cực phát hiện ra các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt đất trong vùng dân tộc thiểu số hiện nay, cần tăng cường công tác tuyên truyền hơn nữa.

Ông HOÀNG ANH TUỆ - Giám đốc chi nhánh văn phòng đăng kí đất đai huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai: “Báo cáo các anh thì cái việc này thì chúng tôi không phải là cơ quan thực hiện cái đó đâu. Nhưng mà vì trách nhiệm vì cái lương tâm nên tôi có một số văn bản đề nghị UBND các xã cái thứ nhất là không được viết hộ đối với hồ sơ cấp giấy chứng nhận lần đầu mà trực tiếp người làm người ta viết, hoặc các đối tượng biết chữ và biết tiếng kinh là ngồi đấy hướng dẫn hoặc viết cho người ta. Cái thứ 2 là đối với các trường hợp chuyển quyền thì mình cũng nhắc nhở các xã, điện trực tiếp các chủ tịch là nên cho công chức tư pháp xã đọc trước và phân tích cho người bán đất về nội dung là gì anh kí để vay vốn hay anh kí để bán đất.”

Thực hiện : Duy Hòa

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/gia-lai-nhung-chieu-tro-lua-dao-khien-hang-chuc-ho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-bong-dungmat-dat