Gia Lai ổn định diện tích cây trồng, nâng cao chất lượng cà phê

Gia Lai kỳ vọng cà phê tiếp tục duy trì là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của địa phương khi sản lượng 6 tháng đầu năm đạt 165.000 tấn, tương ứng kim ngạch 338 triệu USD, tăng 1,85% về lượng và 2,42% về giá trị.

Cây cà phê được mùa, được giá

Báo cáo của Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, ước kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 420 triệu USD (61,67% kế hoạch). Đây là thời điểm nhiều loại nông sản của tỉnh vào mùa thu hoạch, tạo khối lượng hàng hóa lớn, thuận lợi cho doanh nghiệp tăng sản lượng hàng xuất khẩu. Một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cho hay, giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây Nguyên đã vượt ngưỡng 61.000 đồng/kg vào đầu tháng 6.2023. Đây được xem là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Hiện diện tích trồng cà phê của tỉnh khoảng 100.000ha và có 5 doanh nghiệp lớn trên địa bàn tham gia chế biến, xuất khẩu.

Nông dân Gia Lai phơi cà phê sau thu hoạch. Nguồn

Nông dân Gia Lai phơi cà phê sau thu hoạch. Nguồn

Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh, do nhu cầu tiêu dùng thị trường thế giới tăng, đặc biệt tại một số nước khu vực EU, Mỹ… đã thúc đẩy sản lượng hàng xuất khẩu vào các thị trường này. Bên cạnh đó, từ tháng 2.2023, Trung Quốc dỡ bỏ chính sách Zero Covid-19 đã kích cầu tiêu dùng tăng trở lại nên xuất khẩu nông sản và các mặt hàng khác tăng trưởng ổn định, xuất khẩu chính ngạch như chuối, chanh leo, sầu riêng, khoai lang... Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với sản lượng 165.000 tấn, tương ứng kim ngạch 338 triệu USD (tăng 1,85% về lượng, tăng 2,42% về giá trị).

Vừa qua, sản phẩm cà phê Gia Lai được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lựa chọn tham gia Dự án thí điểm "Xây dựng chiến lược thương hiệu và tiếp thị dành cho các nhà sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Việt Nam". Đây là cơ hội cho sản phẩm cà phê của Gia Lai có thêm những điều kiện thuận lợi để tiến bước vững chắc, mạnh mẽ trên thị trường thế giới.

Theo ước tính, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh Gia Lai vào 6 tháng cuối năm sẽ đạt khoảng 260 triệu USD, phấn đấu mục tiêu xuất khẩu đạt 680 triệu USD trong năm 2023 (tăng 3,03% so năm 2022).

Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu

Hiện nay tỉnh Gia Lai xác định không mở rộng thêm diện tích trồng cà phê, không để lấn chiếm diện tích đất rừng mà tập trung nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị mặt hàng này thông qua việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu.

Với năng suất bình quân đạt 30 tạ/ha, tổng sản lượng cà phê đạt hơn 267.000 tấn trên tổng diện tích cây trồng khoảng 100.000ha. Sản phẩm cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của địa phương khi chiếm gần 71% tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản hàng hóa.

Phương châm của tỉnh là duy trì vùng nguyên liệu cà phê sạch, chú trọng đầu tư và tạo giá trị nhân văn cho sản phẩm; để rồi từ đó thu hút sự chú ý của cộng đồng tiêu dùng cà phê toàn cầu đối với thương hiệu cà phê sạch Việt Nam. Đại diện một doanh nghiệp trồng cà phê tại huyện Đăk Đoa cho hay, cà phê ở Việt Nam trước đây được biết đến chủ yếu là vùng nguyên liệu. Nhưng hiện cà phê đã được chế biến thành đặc sản, đáp ứng được nhu cầu của thế giới. Bởi vậy, đây là cơ hội lớn để đưa cà phê Việt Nam lên bước phát triển mới về sản phẩm. "Muốn cà phê đứng vững trên thị trường quốc tế cần minh bạch vùng nguyên liệu, tập trung bảo vệ cho người nông dân canh tác hữu cơ, canh tác sạch; phát triển cà phê bền vững sẽ đem lại lợi ích cho người nông dân, doanh nghiệp và môi trường", vị đại diện này cho biết thêm.

Thực tế cho thấy, sản xuất cà phê đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động tại địa phương; tham gia sản xuất cà phê, đời sống người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ gia đình khá, hộ gia đình giàu ngày càng tăng; trong đó, có một bộ phận không nhỏ là bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ vậy, trong những năm gần đây, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất cà phê sạch để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm cà phê nhân xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến cà phê bền vững và một phần sản phẩm cà phê đặc sản, nhằm thâm nhập vào các thị trường có tiềm năng trong nước và xuất khẩu. Điển hình như: cà phê Thu Hà, cà phê Tamba, Classic Coffee, L'amant Café ... đã có mặt ở khắp các tỉnh thành trong nước và bước đầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.

Hiện nay, diện tích cà phê đặc sản của tỉnh khoảng hơn 200ha, sản lượng 62 tấn. Do sản lượng cà phê đặc sản không thể thu hoạch 100% diện tích vì chế biến loại cà phê này phải chọn lựa từng hạt chín bảo đảm chất lượng nên chỉ chiếm khoảng 3 - 12% tổng sản lượng thu hoạch trên toàn diện tích trồng. Để nâng cao chất lượng cà phê, ngành nông nghiệp tỉnh đang nghiên cứu tham mưu chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản tại địa phương để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu sản phẩm cà phê, đáp ứng nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, Gia Lai sẽ phát triển diện tích cà phê đặc sản khoảng 1.200ha, bằng 1,2% diện tích cà phê toàn tỉnh. Mục tiêu đến giai đoạn 2026 - 2030, phát triển diện tích cà phê đặc sản khoảng 2.300ha, bằng 2,4% diện tích cà phê toàn tỉnh.

Đức Trí

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/gia-lai-on-dinh-dien-tich-cay-trong-nang-cao-chat-luong-ca-phe-i340847/