Gia Lai: Sai phạm đấu thầu thuốc, 7 cán bộ sở Y tế lĩnh án
Sai phạm trong đấu thầu thuốc, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước khiến 7 cán bộ sở y tế lĩnh án.
Ngày 28/4, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án sai phạm trong đấu thầu thuốc tại sở Y tế tỉnh Gia Lai với 7 bị cáo có đơn kháng cáo.
Các bị cáo gồm: Phùng Xuân Quýnh (SN 1953, nguyên Giám đốc sở Y tế) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nguyễn Công Nhân (SN 1955, nguyên Phó Giám đốc), Đặng Đức Châu (SN 1963, nguyên Phó Giám đốc), Phan Minh Hiếu (SN 1968, nguyên Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y), Đoàn Cường (SN 1963, nguyên Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược), Lê Khánh Lân (SN 1956, nguyên cán bộ Phòng Kế hoạch-Tài vụ), Bùi Ngọc Thư (SN 1968, nguyên Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Tài vụ) cùng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo hồ sơ, từ năm 2008 đến 2010, bị cáo Quýnh với tư cách là Giám đốc sở Y tế đã ký quyết định thành lập tổ chuyên gia đấu thầu thuốc. Các bị cáo còn lại tham gia vào tổ chuyên gia với tư cách khác nhau. Các bị cáo trong tổ chuyên gia đấu thầu đã có 2 hành vi xét thầu gây thiệt hại nghiêm trọng về tài chính của Nhà nước.
Hành vi thứ nhất là có 8 mặt hàng thuốc dự thầu đạt đầy đủ các tiêu chí theo quy định tại hồ sơ mời thầu nhưng các bị cáo loại ra, dẫn đến có 8 mặt hàng thuốc dự thầu khác có giá chào thầu cao hơn được trúng thầu.
Tuy nhiên, trong số 8 mặt hàng thuốc giá cao trúng thầu thì có 1 mặt hàng sau đó không được thực hiện việc ký kết hợp đồng mua nên không gây ra thiệt hại.
7 mặt hàng thuốc còn lại có giá chào thầu cao được trúng thầu gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 4,9 tỷ đồng.
Hành vi sai phạm thứ 2 là có 7 mặt hàng thuốc dự thầu sai xuất xứ, lẽ ra phải loại ngay nhưng các bị cáo lại xét đạt, cho trúng thầu gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1,1 tỷ đồng. Tổng cộng thiệt hại do hành vi xét thầu sai của các bị cáo gây ra là hơn 6,1 tỷ đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào tháng 6/2020, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt bị cáo Nhân 5 năm tù; các bị cáo Châu, Hiếu, Cường mỗi người 6 năm tù; Thư, Lân cùng 3 năm 6 tháng tù; Quýnh 18 tháng tù.
Sau đó, cùng trong tháng 6/2020, 7 bị cáo có đơn kháng cáo gửi đến Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị xét xử phúc thẩm, hầu hết đều mong muốn được hưởng án treo thay vì án tù giam như đã tuyên.
Các bị cáo Nhân, Châu, Thư kháng cáo cho rằng mình chỉ phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” chứ không phải tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” nên đề nghị thay đổi tội danh.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo vẫn giữ nguyên yêu cầu như trong đơn kháng cáo.
Bị cáo Nhân cho hay: “Thời gian đó là những năm đầu tiên đấu thầu thuốc nên không có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể mà chỉ có văn bản chung chung của bộ Y tế.
UBND tỉnh Gia Lai giao sở Y tế, lãnh đạo Sở chỉ đạo giao việc thì không thể từ chối nên rất áp lực, phải có thuốc cho các cơ sở y tế điều trị cho người dân nên quá trình xây dựng hồ sơ đã dẫn đến sai sót một cách vô ý, tôi cũng quá tin tưởng anh em vì trong tổ cũng đều là các Trưởng, Phó phòng của Sở”.
Đồng quan điểm, bị cáo Châu cho rằng: “Biết là công việc khó khăn vì thực sự tôi cũng không am hiểu về đấu thầu hay mảng dược, lúc đó lại phụ trách khá nhiều công việc khác.
Tuy nhiên Sở ít người, không thể trưng tập nhân sự ở đâu cả mà lãnh đạo giao thì phải phụ trách. Tôi cũng đã có ý thoái thác nhưng lãnh đạo nói rằng cứ cố gắng làm đi vì phải đủ thành phần.
Tôi nghĩ hành vi của tôi chỉ là vô ý do nhận thức pháp luật kém chứ chúng tôi không hề vụ lợi. Trong vụ án này tôi nghi ngờ một phần là do máy tính làm sai, một phần cũng do anh em…?!”....
Luật sư Nguyễn Quang Anh, công ty Luật Sao Việt (thuộc đoàn Luật sư TP.Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Châu bày tỏ quan điểm: “Trong quá trình giám định có nhiều điểm bất hợp lý dẫn đến giá trị thiệt hại gây cho Nhà nước lớn, khiến trách nhiệm của các bị cáo và khoản bồi thường phải chịu cũng lớn hơn.
Bằng chứng là qua các phiên tòa từ năm 2013 đến nay, giá trị thiệt hại qua giám định đã khác nhau. Tôi đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập giám định viên để làm rõ”.
Trong bản luận tội, Kiểm sát viên Đặng Thọ Định, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng, bản án của tòa sơ thẩm là phù hợp, đúng quy định của pháp luật, không nặng, không nhẹ nên đề nghị bác tất cả các kháng cáo của 7 bị cáo.
Hội đồng xét xử phúc thẩm do Thẩm phán Nguyễn Văn Tàu làm chủ tọa nhận định rằng, giám định viên đã làm đúng quy định của pháp luật. Trong khi, Luật sư Quang Anh không hề cung cấp một chứng cứ nào thể hiện giám định viên làm sai nên bác yêu cầu triệu tập giám định viên.
Hội đồng xét xử cũng xác định hành vi của các bị cáo Nhân, Châu, Thư đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và không nằm trong diện được hưởng án treo vì là vụ án đặc biệt nghiêm trọng.
Chỉ riêng bị cáo Quýnh với tội danh của mình có nằm trong diện được hưởng án treo.
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên án cho tất cả các bị cáo được giảm án với các lý do các bị cáo đã tiến hành bồi thường một phần thiệt hại sau phiên sơ thẩm, đã có cống hiến cho xã hội, gia đình có công với cách mạng…
Cụ thể, bị cáo Hiếu bị tuyên án 4 năm 2 ngày tù, Châu và Cường mỗi bị cáo 4 năm tù, Nhân 3 năm tù, Thư và Lân mỗi bị cáo 1 năm 6 tháng tù, Quýnh 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.