Gia Lai: Siết chặt quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm
Với việc tăng cường giám sát, lấy mẫu phân tích dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên nông sản và thực phẩm, ngành chức năng tỉnh Gia Lai hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm trên thị trường.
Chuyển biến rõ nét
Để đảm bảo chất lượng nông sản, thực phẩm trên thị trường, Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) vừa lấy 203 mẫu rau củ quả, 10 mẫu hồ tiêu, 70 mẫu thịt heo, 12 mẫu măng tươi, 30 mẫu giò chả và cà phê bột tại các địa phương trong tỉnh để kiểm tra, giám sát, phân tích dư lượng hóa chất, thuốc kháng sinh, những độc tố vi nấm, dư lượng thuốc BVTV. Kết quả phân tích cho thấy, 203 mẫu rau củ quả không có tồn dư thuốc BVTV, 70 mẫu thịt heo không phát hiện thuốc kháng sinh vượt quá giới hạn cho phép và 12 mẫu măng tươi không có chất vàng ô.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, người dân đã thay đổi nhận thức trong sản xuất và chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, từ khi sử dụng thuốc BVTV lần cuối đến khi thu hoạch rau củ quả cung cấp cho người tiêu dùng phải có khoảng thời gian cách ly từ 7 đến 10 ngày.
Ông Đặng Văn Long (thôn 1, xã An Phú, TP. Pleiku) cho biết: “Gia đình tôi có 6 sào đất chuyên trồng các loại rau xanh. Trước đây, tôi có sử dụng phân hóa học và thuốc BVTV. Nhờ được tuyên truyền và tham gia các lớp tập huấn sản xuất rau an toàn do UBND xã và Phòng Kinh tế TP. Pleiku tổ chức, hiện nay, tôi không dùng các loại phân bón hóa học và thuốc BVTV nữa. Thay vào đó, tôi sử dụng những chế phẩm sinh học theo quy trình hướng dẫn, vừa giảm tiền đầu tư, vừa đỡ tốn công và đặc biệt giảm độc hại cho chính bản thân mình và người tiêu dùng”.
Tương tự, ông Trần Văn Đốc (thôn 3, xã An Phú) cũng cho hay: “Từ khi tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn sản xuất rau an toàn, phần lớn người trồng rau củ quả trong khu vực này đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, bơm thuốc xong phải có thời gian cách ly 1 tuần đến 10 ngày mới bắt đầu thu hoạch nên đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng”.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Trong tổng số 10 mẫu hồ tiêu mà Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản tỉnh lấy để phân tích, đánh giá 20 chỉ tiêu nhỏ thì có 1 mẫu vượt quá giới hạn cho phép về thuốc BVTV. Bên cạnh đó, 30 mẫu giò chả lấy tại các chợ để kiểm tra thì có 7 mẫu sử dụng hàn the.
Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Ngay sau khi có kết quả phân tích của cơ quan chuyên môn về 1 mẫu hồ tiêu còn tồn dư thuốc BVTV và 2 mẫu giò chả có sử dụng hàn the, Phòng đã mời chủ các cơ sở ký cam kết khắc phục; yêu cầu sản xuất phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để cung cấp đến người tiêu dùng. Sau đó, đoàn kiểm tra của tỉnh sẽ kiểm tra, đánh giá lại.
Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và PTNT cùng các cơ quan chuyên môn của huyện đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho các cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm biết được những quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, hướng dẫn cơ sở chú ý quản lý chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào để khi sản xuất và cung cấp đến người tiêu dùng không còn tồn dư hóa chất.
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: “Sau khi có kết quả giám sát dư lượng hóa chất trong nông sản, thực phẩm, Sở đã có văn bản đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật chuyên ngành, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở cố tình vi phạm. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất trong đảm bảo an toàn thực phẩm, không sử dụng hóa chất, chất hỗ trợ chế biến nằm ngoài danh mục cho phép. Đặc biệt, các địa phương phát hiện mẫu vi phạm phải thông báo tới cơ sở có mẫu yêu cầu truy xuất nguồn gốc, điều tra nguyên nhân và thực hiện khắc phục trong thời gian sớm nhất”.