Gia Lai: Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn giá trị từ ngày 1-1-2023
Ngày 25-10, UBND tỉnh Gia Lai có Công văn số 2441/UBND-NC về thực hiện các nhiệm vụ của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh; Công an tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Cục Thuế tỉnh; Hội Nông dân tỉnh; Hội Người cao tuổi tỉnh; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Điện lực Gia Lai khẩn trương tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị mình có quy định thành phần hồ sơ hoặc xuất trình các loại giấy tờ chứng minh nhân thân như: Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy, Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự để đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới. Báo cáo kết quả rà soát về Công an tỉnh trước ngày 29-10-2022 để tổng hợp, báo cáo theo quy định.
Đồng thời, thực hiện các giải pháp sử dụng thông tin công dân thay thế Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú phù hợp với các thủ tục hành chính và tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác để thực hiện đúng lộ trình khi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy không còn giá trị sử dụng từ ngày 1-1-2023 tránh gây phiền hà, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy theo đúng quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn Luật Cư trú.
Thực hiện việc chi trả không dùng tiền mặt trong thực hiện chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng thụ hưởng bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Đẩy nhanh tiến độ thu thập, cập nhật, bổ sung dữ liệu chuyên ngành phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu; đảm bảo hạ tầng về hệ thống, an ninh, an toàn thông tin để triển khai thực hiện các giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an các cấp trong công tác “làm sạch” dữ liệu thông tin dân cư. Đẩy mạnh triển khai, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu đã được xác định trong Đề án 06 của tỉnh và 29 dịch vụ công trực tuyến theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 24-4-2022 của Thủ tướng Chính phủ, văn bản số 741/UBND-NC ngày 15-4-2022 của UBND tỉnh.
Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Hội Nông dân tỉnh, Hội Người cao tuổi tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan: Đối soát, làm sạch dữ liệu về tiêm chủng, dữ liệu an sinh xã hội và các dữ liệu của các hội, đoàn thể theo hướng huy động tổng lực các nguồn lực như thành viên Tổ Công tác Đề án 06 cấp xã, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,... thành một Tổ để rà soát chung tất cả các dữ liệu đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, đồng bộ, thống nhất với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo đúng quy định pháp luật.
Tăng cường công tác tuyên truyền kết quả thực hiện Đề án 06, nhất là các tiện ích người dân, doanh nghiệp được hưởng dưới nhiều hình thức (pano, áp phích (Poster), video hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công tại Bộ phận Một cửa các cấp, trên màn hình led). Tạo mã Qrcode để người dân truy cập trung tâm hướng dẫn các nghiệp vụ về định danh điện tử, dịch vụ công.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện; báo cáo kết quả thực hiện về Công an tỉnh trước ngày 20-11-2022. Quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc thì kịp thời thông báo Công an tỉnh để phối hợp xử lý.