Gia Lai: Tăng cường quản lý việc cải tạo đất nông nghiệp và tận dụng đất dôi dư để san lấp phục vụ công trình

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường quản lý việc cải tạo đất nông nghiệp và tận dụng đất dôi dư sử dụng làm san lấp để phục vụ các công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia và các công trình sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo đó, để hạn chế tình trạng lợi dụng việc cải tạo, khai hoang, phục hóa đất nông nghiệp khai thác khoáng sản đất san lấp, đá xây dựng trái phép; sử dụng đất dôi dư được tận dụng làm vật liệu san lấp không đúng mục đích (không cung cấp cho các công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia và các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước) làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, gây thất thu ngân sách nhà nước, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện cải tạo đất nông nghiệp của người dân.

UBND tỉnh yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ khối lượng đất dôi dư (từ cải tạo đất nông nghiệp) có thể tận dụng làm vật liệu san lấp để phục vụ các công trình xây dựng. Ảnh: Kim Linh

UBND tỉnh yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ khối lượng đất dôi dư (từ cải tạo đất nông nghiệp) có thể tận dụng làm vật liệu san lấp để phục vụ các công trình xây dựng. Ảnh: Kim Linh

Các địa phương kiểm soát chặt chẽ khối lượng đất dôi dư có thể tận dụng làm vật liệu san lấp để phục vụ các công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia và các công trình sử dụng ngân sách nhà nước; không để xảy ra việc lợi dụng cải tạo đất để khai thác khoáng sản trái phép, sử dụng đất dôi dư không đúng mục đích; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, thực hiện việc tính, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khối lượng đất dôi dư được tận dụng làm đất san lấp để phục vụ cho các công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia và các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước làm cơ sở để các tổ chức, cá nhân nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định, đảm bảo không gây thất thu ngân sách nhà nước.

Việc cải tạo, khai hoang, phục hóa đất nông nghiệp kết hợp với tận thu đất san lấp (nếu có) phải đảm bảo thửa đất sau khi cải tạo, khai hoang, phục hóa được sử dụng đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, làm gia tăng giá trị của thửa đất sau khi cải tạo. Không cho phép cải tạo sâu hơn cost địa hình tự nhiên khu vực, đảm bảo các vấn để về an toàn, bảo vệ môi trường, mỹ quan; không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề và các vấn đề liên quan.

Gia Lai có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất san lấp cho các công trình xây dựng từ nguồn vốn ngân sách. Ảnh: Kim Linh

Gia Lai có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất san lấp cho các công trình xây dựng từ nguồn vốn ngân sách. Ảnh: Kim Linh

Chủ đầu tư các dự án công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ việc tận dụng đất dôi dư trong quá trình cải tạo đất nông nghiệp đảm bảo chất lượng phục vụ cho các công trình. Kịp thời báo cáo UBND cấp huyện, cấp xã nếu phát hiện việc sử dụng đất san lấp sai mục đích hoặc có nguồn gốc không hợp pháp để xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó UBND tỉnh yêu cầu các sở: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh; các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị có liên quan khi thanh quyết toán các dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia và các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thực hiện việc thanh quyết toán đối với khối lượng đất san lấp theo đúng quy định, đảm bảo không làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gia-lai-tang-cuong-quan-ly-viec-cai-tao-dat-nong-nghiep-va-tan-dung-dat-doi-du-de-san-lap-phuc-vu-cong-trinh-post280760.html