Gia Lai tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Gia Lai tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến để nâng cao giá trị nông sản và năng lực cạnh tranh.

Khó tiếp cận công nghệ

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2020, giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản của tỉnh (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 30.186 tỷ đồng, tăng 5,84% so với năm 2019. Trong đó, nông nghiệp tăng gần 6%.

Tuy nhiên, việc nâng cao giá trị cho các mặt hàng nông sản còn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về phương thức chế biến, bảo quản, xử lý môi trường, mức độ ứng dụng công nghệ chưa cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa tiếp cận, hiểu hết về cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thực hiện đổi mới, chuyển giao công nghệ.

Đại diện doanh nghiệp tham gia thảo luận về công nghệ quản lý, truy xuất nguồn gốc, chế biến, bảo quản nông-lâm sản và công nghệ xử lý môi trường. Ảnh: Ngọc Thu

Đại diện doanh nghiệp tham gia thảo luận về công nghệ quản lý, truy xuất nguồn gốc, chế biến, bảo quản nông-lâm sản và công nghệ xử lý môi trường. Ảnh: Ngọc Thu

Để tháo gỡ vấn đề này, ngày 25-12, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH-CN) phối hợp với Sở KH-CN tổ chức hội thảo về giải pháp thúc đẩy công nghệ trong bảo quản, chế biến nông sản. Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về công nghệ quản lý, truy xuất nguồn gốc, chế biến, bảo quản nông-lâm sản và công nghệ xử lý môi trường.

Ông Lương Đức Trí-đại diện Trung tâm nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường Tây Nguyên-cho biết: “Chúng ta cần có những giải pháp để định hướng sử dụng đất đai, phân bón trong sản xuất theo hướng phát triển bền vững. Tuy các ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm nhưng người dân ở vùng sâu, miền núi vẫn còn hạn chế về kiến thức pháp luật trong quản lý, sử dụng phân bón an toàn, hiệu quả”.

Tương tự, bà Phạm Thị Lý-Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển-cho hay: Hiện nay, KH-CN đang thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh những chính sách, chiến lược để nâng cao hiệu quả trong tiếp nhận và ứng dụng công nghệ tiên tiến nước ngoài vào sản xuất trong nước, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất được coi là khâu then chốt, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Vì vậy, ngành KH-CN cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào chế biến nông sản và triển khai đúng hướng để đạt hiệu quả cao.

Tích cực kết nối cung-cầu công nghệ

Thời gian qua, Sở KH-CN đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho các cá nhân, doanh nghiệp. Ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở KH-CN-cho biết: Sở đã tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo để chuyển giao công nghệ cho cá nhân, doanh nghiệp trong bảo quản, chế biến nông sản.

Đồng thời, tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác, kết nối các kết quả nghiên cứu và công nghệ mới, chia sẻ các giải pháp kết nối cung-cầu công nghệ hiệu quả giữa cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp. Cùng với đó, chia sẻ một số công nghệ có thể chuyển giao tại tỉnh như: công nghệ thiết bị chế biến ướt cà phê vối, ứng dụng công nghệ vi sinh trong xử lý phụ phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ...

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh ký kết thỏa thuận ghi nhớ, hợp đồng chuyển giao công nghệ với Công ty TNHH Công nghệ xử lý nước TA, Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển. Ảnh: Ngọc Thu

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh ký kết thỏa thuận ghi nhớ, hợp đồng chuyển giao công nghệ với Công ty TNHH Công nghệ xử lý nước TA, Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển. Ảnh: Ngọc Thu

Ngoài ra, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh (Sở KH-CN) đã ký kết thỏa thuận ghi nhớ, hợp đồng chuyển giao công nghệ với Công ty TNHH Công nghệ xử lý nước TA, Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển để sẵn sàng chuyển giao công nghệ ứng dụng phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Theo đó, các đơn vị sẽ phối hợp ứng dụng, chuyển giao công nghệ xử lý nước MET vào sản xuất, đời sống. Đồng thời, hợp tác chuyển giao các kết quả, sáng chế “Quy trình xác thực chống hàng giả” vào lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, kết nối cung-cầu, quản lý, đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH-CN) phối hợp với Sở KH-CN khai trương điểm kết nối cung-cầu công nghệ tỉnh Gia Lai. Đây là nơi gặp gỡ, đối thoại, kết nối về nhu cầu tìm hiểu thông tin, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

NGỌC THU

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/744/202012/gia-lai-tang-cuong-ung-dung-cong-nghe-trong-san-xuat-nong-nghiep-5716335/