Gia Lai tạo đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh
Ngay từ đầu năm, tỉnh Gia Lai triển khai hàng loạt giải pháp mang tính đột phá nhằm mục tiêu cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp thành lập mới; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; phấn đấu năm 2025 đạt top 20 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Với những nỗ lực của các cấp chính quyền, nhiều chỉ số thành phần của tỉnh được cải thiện qua từng năm, như: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh và thiết chế pháp lý. Đây là kết quả đáng phấn khởi, chứng tỏ tỉnh đang quyết liệt trong việc tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN).
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho biết: “Với mục tiêu xây dựng Gia Lai trở thành điểm đến lý tưởng để đầu tư và phát triển kinh doanh, tỉnh đã chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc DN... Tất cả nhằm tạo thuận lợi tối đa cho DN và các nhà đầu tư hoạt động”.
Mặc dù vẫn còn những chỉ số thành phần chưa được cao như mong đợi (chỉ số đào tạo lao động, tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ DN), song tất cả các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh đã lần lượt đề ra nhiều giải pháp riêng để cải thiện theo nhiệm vụ phụ trách. Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Sở tăng cường tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai các giải pháp hỗ trợ DN, cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Cùng với đó, tổ chức cho DN tham gia các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch OCOP, đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm của DN...”.
Mới đây, ngày 19-1-2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 135/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Ông Lê Tiến Anh-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư)-cho hay:“Mục tiêu chung của kế hoạch là cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp thành lập mới; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính theo hướng phấn đấu giảm 30-70% thời gian thực hiện so với quy định của pháp luật; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phấn đấu năm 2025 đạt top 20 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh đã chỉ đạo triển khai một số giải pháp mang tính đột phá. Trong đó, các sở, ngành cần tăng cường trách nhiệm được phân công, làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số cũng như chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần. Đồng thời, tỉnh tiếp tục cải thiện các yếu tố môi trường kinh doanh theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.
Theo Kế hoạch số 135/KH-UBND, trách nhiệm của các sở, ngành đã được cụ thể hóa, như: Sở Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh xây dựng và phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI); thực hiện có hiệu quả kế hoạch đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tạo thương hiệu cho doanh nghiệp tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh triển khai, thực hiện các quy định về hệ thống thông tin đất đai; thúc đẩy giao dịch điện tử về đất đai theo đúng quy định; tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; lập kế hoạch số hóa và lưu trữ hồ sơ địa chính ở dạng số để đưa vào khai thác sử dụng tại các văn phòng đăng ký đất đai; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất...
Đặc biệt, liên quan đến chỉ số thành phần đào tạo lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo; đa dạng các hình thức dạy nghề cho lao động nông thôn.
“Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội du lịch tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Hội Nữ doanh nhân tỉnh trong thời điểm tới sẽ tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp với tư cách người làm chứng khi có đề nghị của cơ quan thanh tra; rà soát, tập hợp các quy định pháp luật không rõ ràng, khó tuân thủ, bất hợp lý; nắm bắt những vướng mắc, khó khăn, bất cập trong thực hiện thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng... để đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải thích, sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ và công khai kết quả để các doanh nghiệp biết”-ông Lê Tiến Anh thông tin thêm.
Tin rằng, với việc tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của các sở, ngành được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các bộ, cơ quan được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần, Gia Lai sẽ từng bước tạo đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, sớm đạt mục tiêu đạt top 20 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.