Gia Lai: Tập trung khắc phục tồn tại,khó khăn để đạt mục tiêu đề ra

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương trong tỉnh nhằm sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Tham dự hội nghị có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Đức Hoàng, Đỗ Tiến Đông cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tuy gặp khó khăn do dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi nhưng 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ước đạt 7,22% (trong đó, ngành nông-lâm nghiệp-thủy sản tăng 2,37%; công nghiệp-xây dựng tăng 9,5%; dịch vụ tăng 8,08%; thuế sản phẩm tăng 8,56%). Vụ Đông Xuân 2018-2019, toàn tỉnh gieo trồng hơn 69.000 ha cây trồng các loại (đạt 101,84% kế hoạch, tăng 1,57% so với vụ Đông Xuân trước). Tính đến ngày 15-6, toàn tỉnh đã gieo trồng hơn 121.000 ha cây trồng các loại (đạt 58,3% kế hoạch, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2018). Ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Hiện có 12/17 huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện chuyển đổi 626,52 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, phù hợp với nhu cầu thị trường (đạt 58,7% kế hoạch). Các địa phương đã thẩm định điều kiện tham gia chương trình tái canh cà phê cho 4.891 hộ và 1 doanh nghiệp với diện tích 2.442 ha, đạt 104,58% kế hoạch; đã bố trí gần 6 tỷ đồng để gieo ươm và ký hợp đồng gieo ươm 1,8 triệu cây giống cà phê để cấp phát cho người dân trồng tái canh năm 2019”.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: T.D

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: T.D

Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Đến nay, toàn tỉnh có 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 12,92 tiêu chí. Thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 2.455 tỷ đồng, bằng 54,51% dự toán Trung ương giao, bằng 50,05% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 7,64% so với cùng kỳ năm 2018. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 đứng thứ 33 toàn quốc, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên (tăng 10 bậc so với năm 2017); điểm tổng hợp đạt 63,08 điểm, tăng 2,17 điểm so với năm 2017. Theo công bố của Bộ Nội vụ, chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2018 của tỉnh đứng thứ 50/63 tỉnh, thành phố, với chỉ số trung bình đạt 74,56, bằng vị trí xếp hạng năm 2017 và đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên. Ủy ban nhân dân tỉnh đã rà soát, phân tích, đánh giá cụ thể từng tiêu chí, các mặt yếu kém của từng sở, ngành, địa phương để chỉ đạo xây dựng kế hoạch khắc phục.

Cùng với đó, giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, nguồn vốn huy động cho vay ngân hàng, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đều tăng so với cùng kỳ năm 2018. Các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA được phân bổ kịp thời. Công tác quản lý, bình ổn giá cả, phòng-chống gian lận thương mại được triển khai quyết liệt. Nhiều doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tìm hiểu, đầu tư tại tỉnh... “Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học-công nghệ, thông tin-truyền thông tiếp tục có bước phát triển; quan tâm chăm lo các gia đình chính sách, người có công, đối tượng xã hội cộng đồng; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí; an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo”-ông Ngô Ngọc Sinh-Chánh Văn phòng UBND tỉnh-cho biết.

Chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ

Tại hội nghị, bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương chưa nghiêm, nhất là công tác phối hợp tham mưu đề xuất. Tình hình khô hạn, dịch bệnh trên gia súc diễn biến phức tạp, đã xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi, dịch lở mồm long móng. Các chương trình, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp tuy có cố gắng nhưng vẫn chậm, chưa hình thành được mô hình điểm để nhân rộng. Việc hoàn thành các thủ tục để triển khai các dự án khởi công mới năm 2019 còn chậm; một số dự án kêu gọi đầu tư chậm tháo gỡ vướng mắc từ các sở, ngành. Phạm pháp hình sự, nhất là tội phạm giết người tăng, một số vụ tính chất manh động. Công tác cải cách hành chính chưa được cải thiện. An ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp...”.

Nhiều công trình trọng điểm của tỉnh đang gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Ảnh: Đ.T

Nhiều công trình trọng điểm của tỉnh đang gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Ảnh: Đ.T

Việc ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh cũng được các đại biểu quan tâm, thảo luận tại hội nghị. Từ ngày 14-5 đến 17-6, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 200 hộ ở 33 thôn, làng thuộc 13 xã của 3 huyện: Chư Pưh, Chư Prông và Đức Cơ. Tổng số heo mắc bệnh và tiêu hủy là 1.165 con với tổng trọng lượng 30.225 kg. Theo ông Trương Phước Anh, bệnh xảy ra chủ yếu ở đàn heo địa phương, heo rừng lai nuôi thả rông ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số và có chiều hướng phát triển ra nhiều địa bàn khác. Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời chỉ đạo tập trung triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch phát sinh, lây lan và thành lập chốt kiểm soát dịch bệnh tạm thời; cấp hỗ trợ cho các địa phương 828 lít hóa chất Benkocid, 38.475 kg vôi bột và 100 bộ đồ bảo hộ để tổ chức chống dịch; vận động các tổ chức, hộ gia đình triển khai tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi... Đối với các huyện, thị xã, thành phố chưa xảy ra dịch bệnh thì việc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng-chống dịch, ngăn chặn sự lây lan đang là nhiệm vụ hết sức cấp bách. Ông Nguyễn Hữu Nguyên-Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê-kiến nghị: “Dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại Bình Định. Thị xã An Khê là địa phương giáp với tỉnh này nên vấn đề lây lan dịch là rất đáng lo ngại. Ngoài việc địa phương triển khai nhiều giải pháp để ứng phó, ngăn chặn dịch thì mong các ngành chức năng phối hợp kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo ra vào địa bàn”. Trước những diễn biến của dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu các ngành chức năng và các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt giải pháp phòng-chống dịch, ngăn chặn không để lây lan trên diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra. Cùng với đó, Sở Tài chính cần tích cực phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành mức hỗ trợ cho những hộ bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi gây ra.

Tại hội nghị, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm có 375 doanh nghiệp và 165 chi nhánh thành lập mới, chỉ đạt 41,7% kế hoạch (tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2018) với tổng vốn đăng ký 2.680 tỷ đồng (tăng 21,9%). Rất mong sự vào cuộc của các cấp, các ngành cùng tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ để các doanh nghiệp phát triển hơn nữa. Ngoài ra, hiện nay, rất nhiều công trình trọng điểm của tỉnh đều vướng trong khâu giải phóng mặt bằng, dẫn đến tiến độ thi công chậm. Rất mong các ngành, các địa phương vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng trong thời gian tới”.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nỗ lực vượt bậc để khắc phục những tồn tại, khó khăn trong những tháng đầu năm. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, tôi yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị tập trung rà soát, khắc phục khó khăn, khai thác tối đa tiềm năng, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của UBND tỉnh đã đề ra”. Song song với đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai tổ chức sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sở Nông nghiệp và PTNT cần có hướng dẫn cụ thể để các địa phương rà soát lại cây trồng chủ lực phù hợp, từ đó có định hướng phát triển. Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ và tỷ lệ giải ngân các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn, trong đó chú trọng tháo gỡ những vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng, tập trung tuyên truyền, vận động người dân để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; tập trung các biện pháp thu ngân sách, xử lý các nguồn thu đang bị nợ đọng; triển khai các giải pháp đẩy nhanh công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; tăng cường thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước hình thành các khu lâm nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo chuyển biến mạnh trong phát triển, liên kết, kết nối giữa sản xuất-chế biến-kinh doanh...

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương theo dõi, nắm chắc tình hình, quyết liệt chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi phát sinh, lây lan, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền theo hình thức vừa đảm bảo chống được dịch, vừa bảo vệ, phát triển chăn nuôi; tích cực triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức...

TRẦN DUNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8301/201906/gia-lai-tap-trung-khac-phuc-ton-taikho-khan-de-dat-muc-tieu-de-ra-5638101/