Gia Lai tập trung triển khai các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024 diễn ra vào chiều 29-7.

Tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí

Theo ông Trần Đình Sơn-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT): 6 tháng đầu năm 2024, công tác bảo đảm TTATGT được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai toàn diện các giải pháp, huy động tối đa các lực lượng thường xuyên tuần tra lưu động, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT, nhất là người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn hoặc sử dụng chất ma túy.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch với từng giải pháp cụ thể, phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) ở cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2023. Các sở, ban, ngành, địa phương cũng ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai các giải pháp đảm bảo TTATGT trên địa bàn. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT được chú trọng triển khai.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở GT-VT, 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ đầu tư Dự án đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku theo hình thức đầu tư công. Gia Lai cũng đã kiến nghị Bộ GT-VT đầu tư tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn qua địa bàn tỉnh.

Sở GT-VT tiếp tục phối hợp triển khai Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (quốc lộ 19) và Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 đoạn Km 90-Km 108. Khu Quản lý đường bộ III (Cục Đường bộ Việt Nam) đang triển khai thủ tục xử lý điểm tiềm ẩn TNGT tại nút giao thông Hàm Rồng (Km 1608+300 quốc lộ 14).

Sở GT-VT thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các công trình sửa chữa định kỳ trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ; đề nghị Bộ GT-VT sửa chữa khẩn cấp cầu Sông Bờ (Km 122+342 quốc lộ 25) và rà soát, tổng hợp các vị trí nguy hiểm, bất cập trong tổ chức giao thông trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: T.D

Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: T.D

Cũng trong 6 tháng đầu năm, qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát Giao thông-Trật tự toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 50.564 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ 8.714 phương tiện, 16.123 giấy tờ các loại; xử phạt 45.733 trường hợp với tổng số tiền 43,699 tỷ đồng, tước có thời hạn 4.609 giấy phép lái xe. Các lỗi vi phạm chủ yếu là nồng độ cồn, tốc độ, không đội mũ bảo hiểm…

Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp đã khởi tố 39 vụ/37 bị can, chuyển cơ quan Quân đội 4 vụ, chuyển xử phạt hành chính 43 vụ, ra 63 quyết định xử phạt với tổng số tiền 400 triệu đồng liên quan đến các hành vi vi phạm về TTATGT; hiện đang tiếp tục điều tra xác minh 132 vụ.

“Dù đã triển khai các giải pháp nhưng 6 tháng qua, TNGT trên địa bàn tỉnh vẫn gia tăng với 260 vụ, làm 157 người chết, 172 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2023, TNGT tăng 51 vụ (tăng 24,4%), tăng 11 người chết (tăng 7,53%), tăng 49 người bị thương (tăng 39,84%). Có 63 vụ liên quan đến rượu, bia (chiếm 31,82%) và 97 vụ do thanh-thiếu niên gây ra (chiếm 55,75%).

10 địa phương tăng số người chết là An Khê, Chư Prông, Ia Pa, Đak Pơ, Pleiku, Kông Chro, Đức Cơ, Chư Sê, Ia Grai, Mang Yang. Nguyên nhân xảy ra các vụ TNGT chủ yếu do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông như không làm chủ tốc độ, thiếu chú ý quan sát…”-Phó Giám đốc Sở GT-VT thông tin.

Đề ra giải pháp kéo giảm TNGT

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT trong những tháng cuối năm 2024. Ông Vũ Đình Hạnh-Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-cho hay: “Trong 6 tháng đầu năm 2024, TNGT xảy ra trên địa bàn huyện tăng cao, chủ yếu ở các tuyến quốc lộ. Cụ thể, trên địa bàn huyện xảy ra 26 vụ TNGT, làm 24 người chết, 9 người bị thương và thiệt hại tài sản hơn 240 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2023, TNGT tăng 14 vụ (tăng 116%), tăng 12 người chết (tăng 100%).

Chúng tôi sẽ tham mưu cho Huyện ủy về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng và huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong đảm bảo TTATGT trên địa bàn. Ngoài ra, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông”.

Đối với huyện Ia Pa, TNGT trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2023. Ông Huỳnh Văn Trường-Chủ tịch UBND huyện thẳng thắn thừa nhận những tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo TTATGT tại địa phương.

Theo đó, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT gia tăng ở huyện Ia Pa là do người dân sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Bên cạnh đó, huyện có đường Trường Sơn Đông ngang qua nhiều xã với lưu lượng phương tiện giao thông đông, lại có nhiều đường nhánh đấu nối với tuyến quốc lộ này, trong khi hệ thống chiếu sáng, biển báo giao thông chưa đảm bảo. Do đó, nhiều vụ TNGT đã xảy ra trên tuyến đường này.

“Huyện đã đề xuất Ban ATGT tỉnh kiểm tra, rà soát lắp đặt biển cảnh báo giao thông phù hợp và sẽ lắp đặt thêm camera, điện chiếu sáng trên đường Trường Sơn Đông nhằm kéo giảm TNGT. Huyện cũng sẽ chỉ đạo lực lượng Công an tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn”-Chủ tịch UBND huyện Ia Pa nêu giải pháp.

Còn Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) thì thông tin: Số vụ TNGT tăng cao tỷ lệ nghịch với số trường hợp bị xử phạt hành chính liên quan tới xe mô tô. Có đến 76% số vụ TNGT liên quan đến xe mô tô.

Trong thời gian tới, đề nghị Công an các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp điều khiển xe mô tô vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, Công an các địa phương cần quan tâm rà soát, phối hợp với Sở GT-VT tổ chức thi, cấp giấy phép lái xe cho người đủ tuổi, nhất là người không biết chữ.

Lực lượng Công an rất mong có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của chính quyền, đoàn thể địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT.

Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh-Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đề xuất giải pháp kéo giảm TNGT. Ảnh: T.D

Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh-Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đề xuất giải pháp kéo giảm TNGT. Ảnh: T.D

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế nhấn mạnh: Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã triển khai các giải pháp đảm bảo TTATGT. Tuy nhiên, số vụ TNGT trên địa bàn tỉnh còn cao. Những tháng cuối năm 2024, cần có sự vào cuộc đồng bộ hơn của hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền đảm bảo TTATGT nhằm kéo giảm TNGT trên địa bàn.

Đối với các địa phương để TNGT tăng cao cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân và mời cơ quan, ban, ngành của tỉnh cùng tham gia để thảo luận, đề ra giải pháp cụ thể nhằm làm tốt hơn công tác đảm bảo TTATGT. Các địa phương cần tổ chức hội nghị sơ kết công tác đảm bảo TTATGT, đề ra giải pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ những tháng cuối năm 2024. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phân tích nguyên nhân xảy ra TNGT để xử lý đúng đối tượng vi phạm về TTATGT.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo rà soát, xử lý triệt để những “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện còn khoảng 55.000 người đủ tuổi nhưng chưa có giấy phép lái xe. Vì vậy, các sở, ngành, địa phương cần có giải pháp để nâng cao tỷ lệ người có giấy phép lái xe trên địa bàn tỉnh.

THIÊN DI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gia-lai-tap-trung-trien-khai-cac-giai-phap-keo-giam-tai-nan-giao-thong-post287105.html