Gia Lai tháo gỡ vướng mắc, chuẩn bị giải phóng mặt bằng cao tốc Quy Nhơn – Pleiku
Chiều 25/7, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị kiểm tra tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku nhằm rà soát toàn diện tiến trình thực hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt ở đoạn tuyến đi qua địa bàn Gia Lai (cũ), để đảm bảo tiến độ chung của dự án.
Tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku có tổng chiều dài khoảng 125 km, được chia thành 3 dự án thành phần, với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h. Tổng mức đầu tư sơ bộ toàn tuyến ước tính khoảng 43.734 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý các Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai, tổng nhu cầu vật liệu phục vụ thi công là rất lớn, gồm khoảng 43 triệu m³ đất đắp, 5,8 triệu m³ cát và 16 triệu m³ đá. Hiện nay, các đơn vị của tỉnh đã hoàn thành một số phần việc quan trọng như: khảo sát địa hình, tính toán thủy văn, thiết kế hệ thống cống thoát nước và mô hình toán thoát lũ.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã đạt được thỏa thuận về vị trí xây dựng các công trình dân sinh như: hầm chui, cầu vượt, mương dẫn dòng, đường gom, điểm đổ thải và các khu vực khai thác vật liệu xây dựng.
Công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi và đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đang được xúc tiến song song với thiết kế cơ sở. Tỉnh Gia Lai cũng đã xác định được các vị trí mỏ vật liệu cơ bản đáp ứng yêu cầu của dự án.

Ông Phạm Xuân Điệp- Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai (đứng) báo cáo tại hội nghị. (ảnh: Nguyễn Thảo)
Tại hội nghị, đại diện chính quyền 5 xã và 1 phường nơi tuyến cao tốc đi qua đã nêu lên hàng loạt khó khăn cụ thể, trong đó có vấn đề về xác định mốc giới, bố trí khu tái định cư và phối hợp khảo sát mỏ vật liệu.
Ông Lê Trọng – Bí thư Đảng ủy xã Mang Yang – đề xuất: Dự án đi qua đoạn xã Mang Yang, chọn điểm lên xuống tại Tỉnh lộ 666 kết nối vào cao tốc. Tỉnh lộ này là đường cấp 4 miền núi, mặt đường hiện nay khá hẹp. Ông Trọng đề nghị tại điểm nút giao này cần mở rộng để phục vụ xe tải trọng lên xuống hai chiều. Ngoài ra, từ điểm nút giao này lên Quốc lộ 19 còn khoảng 4 km, địa phương cũng đề nghị đầu tư hoàn thiện.
Về công tác tái định cư, tỉnh Gia Lai dự kiến bố trí 7 khu tái định cư cho 122 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, trong tổng số hơn 1.000 hộ phải di dời. Hiện các địa phương đã hoàn tất quy hoạch và lập hồ sơ đầu tư cho các khu tái định cư, đang chờ thẩm định và phê duyệt để khởi công đồng loạt vào năm 2026.

Hội nghị có sự tham gia của các sở, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án của tỉnh Gia Lai. (ảnh: Nguyễn Thảo)
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các Ban Quản lý dự án tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương; các xã, phường khẩn trương thành lập Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng riêng để chủ động triển khai.
Công tác bồi thường, tái định cư phải được thực hiện chu đáo, công bằng, đảm bảo quyền lợi cho người dân và tiến độ của dự án. Cụ thể, hiện nay địa bàn Gia Lai (cũ) đang áp dụng chính sách Gia Lai (cũ); địa bàn Bình Định (cũ) cũng đang áp dụng chính sách Bình Định (cũ).
Nhưng cùng một dự án không thể áp dụng hai chính sách khác nhau. Vì vậy, UBND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu để tỉnh ban hành chính sách bồi thường thống nhất áp dụng cho Gia Lai (mới), dành cho tất cả các dự án. Đồng thời phải làm rõ các thông tin cụ thể về số lượng hộ dân cần bố trí tái định cư, quy mô khu tái định cư, diện tích, địa điểm.

Phối cảnh cao tốc Quy Nhơn- Pleiku. (ảnh: Báo Chính phủ)
Dự kiến từ ngày 30/7, tỉnh Gia Lai sẽ tiến hành cắm mốc giải phóng mặt bằng ngoài thực địa. Sau đó, Ban Quản lý Dự án sẽ phối hợp với chính quyền địa phương bàn giao mốc giới, cập nhật dữ liệu phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Các phần việc kỹ thuật liên quan đến khảo sát, thiết kế và hoàn thiện hồ sơ pháp lý cũng sẽ được tăng tốc để đảm bảo tiến độ toàn dự án.