Gia Lai: Thiếu sự giám sát của cha mẹ, liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra 10 vụ đuối nước khiến 17 trẻ tử vong thương tâm. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức gia đình, xã hội về nguy cơ đuối nước trẻ em còn hạn chế; trẻ thiếu sự giám sát, trông giữ của cha mẹ và chưa biết bơi…

17 trẻ tử vong thương tâm do đuối nước

Đã hơn 1 tháng kể từ ngày ba chị em họ trú tại buôn Tơ Nia, xã Chư Gu, huyện Krông Pa (Gia Lai) tử vong thương tâm trong lúc đi gùi nước thế nhưng gia đình và hàng xóm vẫn không thể quên nỗi ám ảnh, đau xót trước sự ra đi đột ngột của các em.

Dường như cuộc sống khốn khó ở vùng chảo lửa Krông Pa khiến những đứa trẻ ở đây trưởng thành sớm hơn. Thậm chí nhiều đứa trẻ cũng phải nghỉ học sớm phụ giúp gia đình, nuôi các em nhỏ.

 Vụ đuối nước ở Krông Pa khiến 3 chị em họ tử vong thương tâm

Vụ đuối nước ở Krông Pa khiến 3 chị em họ tử vong thương tâm

Sự việc đau lòng trên xảy ra vào ngày 3/3, như thường lệ sau khi bố mẹ đi làm trên rẫy, các em Ksor Tươn (10 tuổi), Ksor Phin (10 tuổi) và Ksor H’Ước (14 tuổi, cùng trú tại buôn Tơ Nia, xã Chư Gu) cùng nhau đi lấy nước uống tại giọt nước của làng cách nhà khoảng 1 km.

Trời nắng nóng, sau khi lấy nước xong, 3 đứa trẻ xuống một trạm bơm không còn hoạt động gần đó để tắm thì không may đuối nước. Đến chiều cùng ngày, sau khi đi làm về bố mẹ các em không thấy con ở nhà nên đi tìm thì bàng hoàng phát hiện 3 em đã tử vong dọc sông Ba.

Vụ đuối nước thương tâm đã cướp đi sinh mạng của ba đứa trẻ tội nghiệp ở buôn Tơ Nia khiến mọi người vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi xót thương cho số phận hẩm hiu của các em thì mới đây (đầu tháng 4) tiếp tục xảy ra 2 vụ đuối nước, khiến 4 đứa trẻ tử vong.

 Hiện trường nơi phát hiện thi thể 2 nhỏ ở xã Ia Ka

Hiện trường nơi phát hiện thi thể 2 nhỏ ở xã Ia Ka

Theo đó, vào khoảng 12h ngày 10/4, trong khi đi thăm ruộng lúa ở cánh đồng làng Ia Yao, một người dân ở xã Ia Ka, huyện Chư Păh phát hiện thi thể 2 cháu bé nổi trên một vũng nước gần đó nên đã thông báo cho gia đình nạn nhân và cơ quan chức năng. Nạn nhân là em Rơ Châm Dương (SN 2015) và Siu Ty Nô (SN 2015) cùng trú tại làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka.

Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã xuống hiện trường để đưa thi thể cháu bé lên bờ. Nguyên nhân ban đầu được cho là các cháu tử vong do đuối nước. Trước đó 2 ngày, một vụ đuối nước xảy ra trên địa bàn xã Sơ Pai, huyện Kbang cũng cướp đi sinh mạng của 2 đứa trẻ chỉ mới 8 tuổi.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, trong năm 2022, trên địa bàn Gia Lai có 59 vụ tai nạn đuối nước làm tử vong 60 em. Đặc biệt, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 10 vụ đuối nước làm tử vong 17 trẻ. Các huyện có nhiều trẻ em bị tử vong do đuối nước gồm: Chư Prông, Krông Pa, Kbang.

Báo động tình trạng đuối nước ở trẻ em

Nguyên nhân để xảy ra những vụ đuối nước thương tâm trên một phần do cha mẹ, người chăm sóc trẻ thiếu sự quan tâm nhắc nhở, giám sát với con em mình. Môi trường sống từ gia đình đến cộng đồng chưa an toàn cho trẻ em. Nhiều chủ ao, hồ, hố đào để tưới cà phê, tiêu… còn thiếu trách nhiệm, chủ quan không làm rào chắn ở khu vực nguy hiểm hoặc không làm biển cảnh báo nguy hiểm điều đó tiềm ẩn nguy cơ cao đuối nước cho trẻ.

 Thiếu sân chơi, nắng nóng trẻ em ở các xã vùng sâu, vùng xa thường rủ nhau đi tắm sông, suối

Thiếu sân chơi, nắng nóng trẻ em ở các xã vùng sâu, vùng xa thường rủ nhau đi tắm sông, suối

Ngoài ra, phần lớn trẻ em không biết bơi và chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; thiếu khu vui chơi, sân chơi cho trẻ em ở cộng đồng nhất là ở vùng sâu, vùng xa và khu vực nông thôn. Chính vì vậy vào thời gian rảnh rỗi ngoài giờ học đặc biệt là vào thời điểm trước kỳ nghỉ hè trẻ em hay cùng bạn bè chơi đùa những khu vực có sông, suối, ao hồ ...

Những cái chết thương tâm trên đang gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Theo đó, để thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống đuối nước cho trẻ trong thời gian tới cần sự phối hợp tích cực của các Sở, ban, ngành ngành chức năng của tỉnh và sự quan tâm của chính quyền địa phương.

 Trước những vụ đuối nước thương tâm trên đòi hỏi các cấp, ngành và mỗi gia đình cần đặc biệt quan tâm, có biện pháp phòng, chống đuối nước ở trẻ em

Trước những vụ đuối nước thương tâm trên đòi hỏi các cấp, ngành và mỗi gia đình cần đặc biệt quan tâm, có biện pháp phòng, chống đuối nước ở trẻ em

Theo ông Phạm Trần Anh - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, Sở đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục bằng các hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em. Đặc biệt, tăng cường hơn công tác truyền thông về nội dung này trong các trường học. Tuyên truyền, vận động các gia đình không được chủ quan, lơ là, mà phải thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, nhất là vào mùa hè; chủ động đưa trẻ em đi học bơi…

“Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng của huyện và UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, thống kê số lượng ao, hồ, đập, các công trình thủy lợi, thủy điện, các hố đào tự tạo và yêu cầu các chủ hồ đập, hộ gia đình làm bản cam kết thực hiện việc rào chắn, đặt biển cảnh báo nguy hiểm nguy cơ gây đuối nước và chịu trách nhiệm khi trẻ em bị đuối nước do ao, hồ, hố, đập... do mình quản lý. Đồng thời, bố trí nguồn kinh phí, huy động các nguồn lực của xã hội xây dựng các bể bơi, tổ chức dạy bơi cho trẻ”, ông Anh thông tin thêm.

Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-lai-thieu-su-giam-sat-cua-cha-me-lien-tiep-xay-ra-cac-vu-duoi-nuoc-thuong-tam-post244043.html