Gia Lai thu hút nguồn lực phát triển hạ tầng cụm công nghiệp
Việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng để đưa các cụm công nghiệp (CCN) đi vào hoạt động đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, góp phần đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp, tạo việc làm cho lực lượng lao động tại chỗ.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 12 CCN đã được thành lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết, 2 CCN đã phê duyệt quy hoạch chi tiết nhưng chưa thành lập và 2 CCN chưa thành lập và chưa quy hoạch chi tiết. Đến nay, 8 CCN đã tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng (toàn bộ hoặc một phần với diện tích 162,35 ha) và đầu tư hạ tầng. Diện tích đất đã được cho thuê và đang làm thủ tục cho thuê gần 81,83 ha, chiếm gần 20,9%. Đến nay, tỉnh đã huy động hơn 183,36 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng 8 CCN, trong đó, nguồn kinh phí trung ương hỗ trợ 57,76 tỷ đồng, nguồn kinh phí địa phương và nguồn khác là 125,6 tỷ đồng. 8 CCN này đã thu hút 59 dự án đầu tư với diện tích 81,83 ha, tổng vốn đăng ký hơn 1.601 tỷ đồng, đã thực hiện gần 1.017 tỷ đồng. Hiện đã có 37 dự án đi vào hoạt động, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp hơn 545 tỷ đồng/năm.
Cụm Công nghiệp Diên Phú (TP. Pleiku) có diện tích 40 ha. Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 68,54 tỷ đồng. Ông Huỳnh Tấn Điền-Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CCN Diên Phú-cho biết: Hiện diện tích đất của dự án đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật (đủ điều kiện cho thuê) là 24,05 ha, trong đó, diện tích đã cho thuê là 20,71 ha. Cụm công nghiệp hiện có 23 dự án thuê đất hoạt động với các ngành nghề chủ yếu là chế biến nông-lâm sản, sản xuất đồ gỗ nội thất, vật liệu xây dựng, hoạt động đăng kiểm, cơ khí… Hàng năm, các dự án đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 265 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 400-500 lao động, thu nhập bình quân 4-11 triệu đồng/người/tháng.
Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Sesan Gia Lai là một trong những đơn vị hoạt động có hiệu quả tại CCN Diên Phú. Bà Võ Trần Bích Hạnh-Giám đốc Công ty-cho hay: “Năm 2019, Công ty được bố trí quỹ đất hơn 1 ha để xây dựng nhà máy chế biến dịch chanh dây. Qua 3 năm đi vào hoạt động tại CCN, nhà máy đã từng bước có sự phát triển rõ nét. Doanh thu bình quân đạt hơn 50 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho khoảng 60 lao động”.
Thời gian qua, CCN Ia Sao (thị xã Ayun Pa) được đầu tư hạ tầng với kinh phí hơn 23 tỷ đồng. Đến nay, CCN đã thu hút 3 dự án đi vào hoạt động với số vốn đăng ký 48,6 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Chung-Quản lý Nhà máy gạch Tuynel Phú Bổn-cho hay: “Ayun Pa có nguồn đất sét dồi dào là nguyên liệu đầu vào cho Nhà máy sản xuất gạch Tuynel với công suất 27 triệu viên/năm. Trong quá trình triển khai, chúng tôi được chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện rất lớn cũng như ưu đãi về thuế”. Theo ông Chung, do địa bàn giáp ranh với Phú Yên và Đak Lak nên thị trường tiêu thụ gạch ngày càng được mở rộng, tạo việc làm ổn định cho 60 công nhân là lao động tại địa phương.
Trong khi đó, ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang thì cho hay: Hệ thống hạ tầng giao thông CCN-tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang được đầu tư với kinh phí 5,9 tỷ đồng. Cụm công nghiệp đã thu hút 3 dự án với diện tích 12,63 ha, tổng vốn đăng ký hơn 597 tỷ đồng. Đến nay, 1 dự án đã đi vào hoạt động là Nhà máy chế biến rau củ quả DOVECO với diện tích 5,67 ha, tổng vốn đầu tư hơn 297 tỷ đồng. Dự án đi vào hoạt động đã góp phần phát triển các vùng nguyên liệu, tạo được các chuỗi liên kết sản xuất với người dân trên địa bàn. Đồng thời, tạo việc làm cho trên 100 lao động tại địa phương, hàng năm đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp 150 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 2 dự án đã được UBND huyện thống nhất đề xuất chủ trương đầu tư với tổng diện tích là 6,93 ha, trong đó, 1 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Hiện nay, huyện đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng để mở rộng diện tích CCN từ 15 ha lên 75 ha nhằm thu hút nhà đầu tư.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 6 doanh nghiệp (DN) đề nghị làm chủ đầu tư hạ tầng 10 CCN với quy mô 75 ha/cụm. Triển khai thực hiện Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11-6-2020 của Chính phủ, Sở Công thương đã hoàn thiện phương án phát triển CCN để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, quy hoạch tỉnh đang được lập và dự kiến phê duyệt trong năm 2022 hoặc đầu năm 2023. Điều này đã ảnh hưởng đến việc thành lập, mở rộng CCN và thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng trong thời gian đến.
Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, các CCN từng bước đáp ứng mặt bằng cho các nhà máy, tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất kinh doanh hiệu quả. Các dự án đầu tư trong CCN đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho hơn 1.100 lao động, góp phần ổn định kinh tế-xã hội tại địa phương. Việc hình thành các CCN góp phần khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư do các cơ sở sản xuất gây ra.
Cũng theo ông Binh, để thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy cũng như các chương trình trọng tâm, thời gian tới, ngành Công thương tiếp tục quy hoạch, mở rộng và bổ sung, cải thiện điều kiện về hạ tầng kỹ thuật các CCN. Trước đây, phát triển CCN chủ yếu dựa vào nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thì nay tỉnh đang chuyển hướng thu hút các DN đầu tư kết cấu hạ tầng CCN, đảm bảo giao mặt bằng sạch, đường, điện, nước cho nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đồng thời cùng với tỉnh thu hút DN vào đầu tư sản xuất tại CCN.