Gia Lai: Tiếp tục nhân rộng mô hình 'Trở về đức tin giữ bình yên thôn, làng'

Chiều 24/5, Công an tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết, nhân rộng mô hình 'Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng'. Dự hội nghị có lãnh đạo tỉnh Gia Lai, đại diện lãnh đạo các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, các trường Công an nhân dân, lãnh đạo Công an các tỉnh: Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Phú Yên, Lai Châu, Điện Biên; lãnh đạo các sở, ban, ngành và người uy tín, chức sắc tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Từ năm 2022 đến nay, Công an tỉnh Gia Lai đã phối hợp đồng bộ với các sở, ngành, địa phương triển khai thí điểm công tác vận động các trường hợp lầm lỡ tin theo FULRO, “Tin lành Đề ga" quay về các tôn giáo được công nhận. Sau hơn 1 năm triển khai, các lực lượng đã vận động được 575 trường hợp thuộc 12 xã của 4 huyện (Phú Thiện, Đak Đoa, Ia Grai, Chư Sê) quay về sinh hoạt tôn giáo bình thường.

Mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng” tại 4 huyện nói trên đang tiếp tục được nhân rộng. Qua đánh giá, bước đầu mô hình “Trở về đức tin, giữ bình yên thôn làng" đem lại hiệu quả trên nhiều phương diện. Đặc biệt, tình hình an ninh trật tự tại các địa bàn thí điểm mô hình được giữ vững, người có uy tín, già làng, chức sắc tôn giáo, bản thân các đối tượng đồng tình ủng hộ; góp phần củng cố, xây dựng hệ thống chính trị, cải thiện chất lượng công tác dân vận cơ sở; cảm hóa một số đối tượng cầm đầu, cốt cán, trở thành “hạt nhân” tích cực trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Từ khi mô hình đi vào hoạt động, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng được đổi mới với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, như: vận động cá biệt, tổ chức họp dân, phản bác các luận điệu xuyên tạc, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, bọn phản động; sử dụng các trang mạng xã hội để tuyên truyền; đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với các chức sắc tôn giáo, người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động, giúp đỡ, tạo điều kiện cho những người từng lầm lỡ theo “Tin lành Đề ga” quay về sinh hoạt trong tôn giáo thuần túy.

Thực hiện mô hình 3 cấp: cấp huyện, cấp xã - phường - thị trấn, cấp thôn - làng; huy động sức mạnh tổng hợp của 4 lực lượng: Đảng viên, cán bộ trong hệ thống chính trị; lực lượng cốt cán, người uy tín; các chức sắc, tôn giáo và những người đã quay về sinh hoạt tôn giáo thuần túy, có tư tưởng tiến bộ. Mô hình đã giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn đặt ra: Vừa bảo đảm đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân mà không bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tôn giáo để chống phá chính quyền; huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng Nhân dân trong cảm hóa, giáo dục đối tượng ở cộng đồng; loại trừ những yếu tố gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn. Đến nay, đã hình thành 70 tổ vận động với hơn 800 thành viên tham gia.

Tại hội nghị, các đại biểu, người uy tín, chức sắc tôn giáo và đại diện những người quay trở về sinh hoạt tôn giáo thuần túy đã tham luận, đánh giá làm rõ thêm những kết quả đạt được trong công tác vận động; đưa ra cách làm hay để nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị cũng là dịp để các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, các trường Công an nhân dân và Công an các địa phương trao đổi kinh nghiệm, có thêm tư liệu để tham mưu lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh các giải pháp hữu hiệu, đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO trên địa bàn Tây Nguyên nói riêng cũng như các hoạt động lợi dụng hoạt động dân tộc, tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia nói chung.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/gia-lai-tiep-tuc-nhan-rong-mo-hinh-tro-ve-duc-tin-giu-binh-yen-thon-lang-213290.html