Gia Lai: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác dân tộc
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới và đạt được những kết quả quan trọng.
Theo đó, các chế độ, chính sách, chương trình phát triển kinh tế-xã hội được triển khai thực hiện, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn, phát huy. Sự nghiệp giáo dục-đào tạo và chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS ngày càng nâng cao. Mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố. Hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường, đội ngũ cán bộ được kiện toàn; quốc phòng-an ninh được giữ vững, ổn định... góp phần ngăn chặn các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc để phá hoại khối đại đoàn kết, gây mất ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách dân tộc có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao, thiếu những giải pháp lâu dài cho công tác giảm nghèo và tạo sinh kế bền vững cho người dân. Công tác vận động quần chúng của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội có nơi còn hạn chế.
Phát huy những kết quả đạt được và từng bước khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác dân tộc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa có Công văn số 470-CV/TU về tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác dân tộc trong tình hình mới. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện tốt Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới và chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc.
Thời gian tới, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương cần thường xuyên rà soát, lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy tiềm năng, lợi thế, tinh thần tự lực của bà con một cách toàn diện. Tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết, liên quan đến đời sống đồng bào DTTS. Quan tâm chăm lo đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án phát triển sản xuất kinh doanh. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS; đồng thời, cụ thể hóa Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2030 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tạo sự chuyển biến rõ nét, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện của từng địa phương và quan điểm, quy hoạch phát triển chung của tỉnh. Quan tâm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt và tranh chấp, khiếu kiện về đất đai; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và quy hoạch, bố trí, sắp xếp ổn định dân cư. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương đẩy mạnh xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS gắn với cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; tuyên truyền, vận động Nhân dân đấu tranh, ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen” theo tinh thần Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 14-6-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ngăn chặn hoạt động mua nợ hàng hóa, vay tiền lãi suất cao trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo đối với vùng có đông đồng bào DTTS. Duy trì và nâng cao kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Nâng cao chất lượng và mở rộng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Chú trọng bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các DTTS gắn với phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan. Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân để hạn chế nạn tự tử, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS. Thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở. Tạo điều kiện cho đồng bào DTTS tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế, khám-chữa bệnh thông qua chính sách bảo hiểm y tế. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách về dân số và phát triển các chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng-chống suy dinh dưỡng ở trẻ em. Quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế; đào tạo, thu hút, bố trí, sử dụng cán bộ y tế có trình độ chuyên sâu là người DTTS ở địa phương.
Tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc vùng DTTS; chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết những mâu thuẫn ngay từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra các “điểm nóng” về an ninh trật tự. Phát huy có hiệu quả vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS. Thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội, đội ngũ cán bộ cơ sở ở vùng DTTS. Chú trọng công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên là người DTTS. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực và quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ DTTS; có giải pháp cụ thể, hieu quả đảm bảo tỷ lệ cán bộ DTTS nói chung và cán bộ nữ DTTS nói riêng của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp phù hợp với tỷ lệ đồng bào DTTS của địa phương.
Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện các chương trình, hoạt động đến tận thôn, làng, khu dân cư. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; mở rộng hoạt động của các mô hình tự quản tại cộng đồng dân cư. Kịp thời biểu dương, tôn vinh, động viên người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng các DTTS có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhằm tạo sự lan tỏa trong đời sống xã hội.