Gia Lai tìm giải pháp định hướng phát triển du lịch 'rừng – biển'
Sau hợp nhất, Gia Lai đang lên kế hoạch bài bản để định hướng phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.

Toàn cảnh hội thảo
Chiều 25.7, tại phường Pleiku, Sở VHTTDL Gia Lai phối hợp với Hiệp hội Du lịch Bình Định (cũ) và Hiệp hội Du lịch Gia Lai (cũ) tổ chức Hội thảo xây dựng tour, tuyến du lịch và phát triển sản phẩm du lịch tỉnh.
Đây là hoạt động trọng tâm để định hướng phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong thời gian đến.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Gia Lai Nguyễn Thị Kim Chung cho biết, ngày 12.6.2025, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 202/2025/QH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Gia Lai.

Đoàn Famtrip khảo sát Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo
Tỉnh Gia Lai bắt đầu hoạt động từ ngày 1.7.2025. Đây là một bước ngoặt lịch sử đối với đất nước nói chung và tỉnh ta nói riêng, mở ra một kỷ nguyên phát triển mới, khi địa giới hành chính tỉnh nhà được mở rộng, tiềm năng phát triển du lịch và bản sắc văn hóa địa phương đa dạng phong phú thêm.
Nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu thông tin, hình ảnh về danh lam thắng cảnh, văn hóa - lịch sử, con người, ẩm thực, các sản phẩm du lịch hấp dẫn của tỉnh Gia Lai sau sáp nhập, đồng thời liên kết xây dựng chương trình tour, tuyến du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Sở VHTTDL Gia Lai phối hợp với Hiệp hội Du lịch Bình Định (cũ) và Hiệp hội Du lịch Gia Lai (cũ) tổ chức chương trình Famtrip khảo sát tài nguyên và các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong hai ngày (từ 24 – 25).
Phó Giám đốc Nguyễn Thị Kim Chung tin tưởng, qua hội thảo ngày hôm nay, các đơn vị sẽ kết nối các tour tuyến du lịch giữa rừng và biển, đa dạng hóa các cái sản phẩm du lịch để phù hợp với không gian mới của tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Gia Lai phát biểu tại hội thảo
Không gian này kỳ vọng mở ra nhiều loại hình phát triển du lịch có tiềm năng, đặc biệt là về du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển đến du lịch nghỉ dưỡng sinh thái rừng và các cái loại hình du lịch đặc thù của tỉnh.
“Cùng với đó, phát huy giá trị truyền thống đồng bào vùng Tây Nguyên cũng như là các giá trị văn hóa bản địa trong hoạt động du lịch cộng đồng”, bà Chung bày tỏ và cho rằng, đấy là một thế mạnh du lịch Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai mới nói riêng.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh dịch vụ Hiệp hội Du lịch đã tập trung thảo luận, hiến kế về việc định hướng xây dựng các chương trình du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch mới trong thời gian đến.

Đoàn khảo sát tại Bảo tàng Pleiku
Qua đó đẩy mạnh liên kết du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nâng cao lợi thế cạnh tranh, tạo sức mạnh quảng bá, xúc tiến điểm đến chung, thu hút đầu tư, thúc đẩy lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hơn hết tạo đòn bẩy mạnh mẽ để kết nối tour, tuyến, xây dựng sản phẩm liên vùng, nâng cao chất lượng dịch vụ và quảng bá hình ảnh du lịch địa phương. Đồng thời đánh thức những tiềm năng còn bỏ ngỏ, đưa du lịch vươn xa, góp phần vào sự phát triển của đất nước.