Gia Lai: Trạm gác rừng giữa chốn thâm sơn cùng cốc
Nằm lạc lõng, sâu thẳm giữa cánh rừng thuộc xã Ia Rmok, huyện Krông Pa (Gia Lai) là Trạm bảo vệ rừng nhiều không suối Uar. Thiếu thốn đủ bề song bất kể ngày nắng hay đêm mưa, những người lính gác rừng vẫn miệt mài, tuần tra bảo vệ nghiêm ngặt hàng nghìn ha rừng.
Trạm bảo vệ rừng “cô độc” giữa đại ngàn
Những ngày cuối năm, theo chân người lính gác rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba (huyện Krông Pa) chúng tôi mới thấu hiểu hết nỗi cơ cực, vất vả của lực lượng bảo vệ rừng nơi đây.
Sau nhiều giờ đồng hồ bươn giữa cánh rừng trồng xen lẫn rừng tự nhiên thuộc huyện Krông Pa, PV cũng vừa kịp có mặt ở Trạm giữ rừng suối Uar thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba trước khi mặt trời xuống núi.
Nằm “cô độc” giữa đại ngàn, Trạm bảo vệ rừng suối Uar tiếp giáp với Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar) và cánh rừng tự nhiên thuộc huyện Krông Năng (Đăk Lăk). Vì nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng nên trạm phải chịu cảnh nhiều không như: Không điện, đường, sóng điện thoại, internet và không có nước sạch.
Sau một ngày tuần rừng vất vả, hoàng hôn buông xuống cũng là lúc các anh em ở Trạm quản lý bảo vệ rừng suối Uar tạm thời cởi bỏ bộ đồng phục, chia nhau chuẩn bị cơm nước trước khi trời tối.
Vừa nhóm bếp, anh Ksor Phă (SN 1994, trú tại thị xã Ayun Pa, Gia Lai) vừa tâm sự với chúng tôi: “Anh em ở đây kiểu tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài bởi xung quanh bốn bề đều là rừng núi, lại không sóng điện thoại, không internet….Vì công việc phải túc trực và đi kiểm tra bảo vệ rừng cả tuần, nhà lại khá xa nên 1 tuần mình mới về nhà một lần. Với mức lương 4,2 triệu đồng/tháng, trừ các chi phí ăn uống, xăng xe thì cũng chả còn dư được bao nhiêu. Cũng muốn đi học lên cao nhưng phần vì điều kiện chưa cho phép phần thì còn bận trực…”.
Đường sá xa xôi, đi lại vất vả nên thứ các anh mang theo chỉ là gạo và cá khô, lâu lâu đèo thêm miếng thịt hay vài ba con tươi. Anh Ksor Kiă (SN 1985, trú tại xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) trải lòng: “Công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn bởi khu vực này có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi dốc. Anh em đi rừng ngã trầy trật là chuyện thường ngày. Ngoài ra, địa bàn quản lý khá rộng lại giáp ranh với 2 huyện của tỉnh Đăk Lăk nên nhiều khi các anh em phải đi kiểm tra từ 3-4 ngày mới quay lại trạm.
Những lần như vậy cũng chỉ biết mắc võng lên cây qua đêm tạm đợi trời sáng. Mặc dù khó khăn, vất vả là vậy, nguy hiểm luôn rình rập, bất cứ lúc nào. Vậy nhưng anh em chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện khen thưởng, chỉ mong làm tốt nhiệm vụ. Không để xảy ra tình trạng phá rừng”.
Không điện, không có sóng điện thoại lại không thể về nhà thường xuyên nên anh em ở Trạm bảo vệ rừng suối Uar đã tự tạo ra “cột sóng” riêng để có thể điện về gặp vợ con. “Để tìm được sóng, chúng tôi đã treo một chiếc điện thoại cảm ứng lên độ cao vài chục mét và bật sẵn mạng, chế độ phát wifi. Như vậy những anh em còn lại có thể sử dụng mạng wifi này gọi về cho gia đình. Tuy nhiên, ở những ngày nắng thôi chứ nhiều lúc mưa gió, là cũng bó tay…”, anh Kiă chia sẻ.
Cuộc chiến giữ rừng khu vực giáp ranh
Thiếu thốn đủ bề, ngay cả nước uống, sinh hoạt hàng ngày các anh cũng phải lấy từ con suối Uar gần đó về sử dụng. Cũng vì trạm dựng giữa rừng nên những người lính gác rừng thường xuyên phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Đó là những đêm co quắp vì sương gió hay những cơn mưa rừng kéo dài hàng tháng trời.
Ông Nay Rên – Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng suối Uar cho biết: “Công tác quản lý bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn bởi địa hình phức tạp, hiểm trở, diện tích rừng rộng lớn trong khi trạm vẫn chưa đủ nhân lực. Mùa nắng còn đỡ chứ nhiều hôm trời mưa, nước ở các con suối dâng cao khiến anh em ở trạm bị “cô lập” giữa rừng cả tháng trời không thể ra ngoài. Những lúc như vậy anh em đành phải tự túc lương thực bằng cách ra suối bắt cá hay hái rau rừng lót dạ”.
Mặc dù gian khổ, khó khăn là vậy song bất kể ngày nắng hay đêm mưa, lực lượng bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba vẫn miệt mài tuần tra, kiểm soát bảo vệ từng cánh rừng trên lâm phần quản lý. Đối với họ trong quá trình tuần tra, việc ngã xe, ngã núi là chuyện bình thường nhưng điều làm họ e dè nhất là khi phải chống chọi với các “lâm tặc” hung hãn và liều lĩnh.
Thời gian qua đã có không ít những trường hợp dùng súng, dao chống đối, tấn công lực lượng bảo vệ rừng. Nghiêm trọng nhất là vụ việc một cán bộ kiểm lâm thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô bị trúng đạn tử vong trong lúc đi tuần tra rừng vào cuối năm 2023. Hiện nguyên nhân vụ việc vẫn đang được cơ quan Công an điều tra song rõ ràng cho thấy công việc của người giữ rừng luôn phải đối mặt với nhiều gian truân, nguy hiểm.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Dương-Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba cho biết: “Đơn vị được giao quản lý hơn 24.600 ha, trong đó có hơn 19.300 ha rừng tự nhiên. Cánh rừng của chúng tôi giáp cả huyện Ea Kar và Krông Năng (Đăk Lăk), mà những khu vực khu vực giáp ranh lại khá nóng về tình trạng xâm hại đến tài nguyên rừng.
Chính vì vậy, đơn vị thường xuyên phối hợp với các Hạt Kiểm lâm của 2 huyện và Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm. Đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết, cơ quan luôn triển khai quân số trực chiến ở các trạm, các chốt…nhằm thực hiện tốt nhất công tác bảo vệ rừng”.