Gia Lai: Xác định đối tượng chặt hạ cây rừng tại huyện Kông Chro

Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai bước đầu đã xác định được đối tượng vi phạm là người tại địa phương, việc cưa hạ cây để lấy gỗ làm nhà.

Hiện trường 125 gốc cây rừng chủng loại bằng lăng, căm xe, xương cá bị cưa hạ. (Ảnh: TTXVN phát)

Hiện trường 125 gốc cây rừng chủng loại bằng lăng, căm xe, xương cá bị cưa hạ. (Ảnh: TTXVN phát)

Liên quan đến vụ chặt hạ 125 cây rừng tại Tiểu khu 792 thuộc lâm phần của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông H’de, huyện Kong Chro (tỉnh Gia Lai), hiện cơ quan chức năng đã hoàn tất công tác khám nghiệm hiện trường, xác định đối tượng vi phạm và hoàn tất thủ tục để khởi tố vụ án.

Trước đó, như Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã phản ánh, trong quá trình tuần tra kiểm soát diện tích rừng quản lý, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kông H’de đã phát hiện tại tiểu khu 792, thuộc địa giới hành chính xã Sơ Ró, huyện Kông Chro hàng trăm cây gỗ bị cưa hạ.

Kiểm đếm tại hiện trường, có 149 cây gỗ gồm các chủng loại bằng lăng, căm xe, xương cá bị cưa hạ trái phép, tổng khối lượng gỗ thiệt hại là hơn 32m3. Phần lớn gỗ đã được tẩu tán, chỉ còn lại bìa gỗ, cành nhánh cây.

Căn cứ vào các dấu vết hiện trường cho thấy, vụ việc đã diễn ra trong thời gian khá dài, số lượng cây bị cưa hạ rất lớn.

Đến thời điểm này, cơ quan chức năng bước đầu đã xác định được đối tượng vi phạm là người tại địa phương, việc cưa hạ cây để lấy gỗ làm nhà. Số gỗ tang vật mà các đối tượng mang về nhà cũng đã được xác định. Tuy nhiên, trong vụ việc này, chủ rừng đã buông lỏng quản lý, không phát hiện và ngăn chặn kịp thời khiến rừng bị xâm hại nặng nề.

Gia Lai là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất cả nước. Thời gian gần đây, tình trạng xâm hại rừng từ việc lấn chiếm đất rừng đến khai thác rừng trái phép tại địa phương này chưa vẫn có chiều hướng giảm.

Thêm vào đó, việc có rất nhiều hộ dân sinh sống, canh tác liền kề rừng cũng gây áp lực không nhỏ đến các đơn vị chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Vì vậy, bên cạnh nâng cao ý thức cho người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thì việc tạo sinh kế, nâng cao đời sống hơn nữa cho họ là giải pháp căn cơ để giữ rừng bền vững./.

Quang Thái (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/gia-lai-xac-dinh-doi-tuong-chat-ha-cay-rung-tai-huyen-kong-chro/848052.vnp