Gia Lâm chuẩn bị hoàn tất thủ tục thành lập quận

Là một trong 5 huyện nằm trong kế hoạch phát triển thành quận của TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, huyện Gia Lâm đã triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Huyện Gia Lâm là một trong 5 huyện nằm trong kế hoạch phát triển thành quận của TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Hoàng Hà

Huyện Gia Lâm là một trong 5 huyện nằm trong kế hoạch phát triển thành quận của TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Hoàng Hà

Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc phỏng vấn Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, là một trong 5 huyện nằm trong kế hoạch phát triển thành quận của TP Hà Nội, thời gian qua, Gia Lâm đã triển khai thực hiện và đạt kết quả như thế nào?

- Bám sát định hướng chung phát triển Thủ đô theo chỉ đạo của T.Ư và TP, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 1 mục tiêu tổng quát, 6 nhiệm vụ trọng tâm cùng 2 khâu đột phá. Trong đó, mục tiêu quan trọng của huyện là đến năm 2025, Gia Lâm trở thành quận và định hướng đến năm 2030 là đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại.

Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Lâm đã xây dựng Chương trình số 03-CTr/HU ngày 26/6/2020 về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Gia Lâm và Chương trình công tác toàn khóa số 12-CTr/HU để cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu hoàn thành mục tiêu thành lập quận.

Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội, sự phối hợp, tạo điều kiện của các sở, ban, ngành của TP, huyện Gia Lâm đã triển khai quyết liệt, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tập trung vào công tác đầu tư xây dựng huyện thành quận và đạt được nhiều kết quả. Tính đến hết năm 2023, huyện đã đạt 4/4 tiêu chuẩn, nhóm tiêu chuẩn và 31/31 tiêu chuẩn của nhóm tiêu chuẩn về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội thành lập quận; sau khi sắp xếp, 16 phường dự kiến thành lập đã đạt 3 tiêu chí bắt buộc về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và 13 tiêu chuẩn tối thiểu về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định. Huyện đã tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn đối với phương án thành lập quận, các phường thuộc quận, kết quả tỷ lệ cử tri đồng ý đạt trên 99%.

Tháng 9/2023, huyện Gia Lâm đã báo cáo TP và được Ban Chấp hành Đảng bộ TP, HĐND TP Hà Nội có Nghị quyết tán thành chủ trương thành lập quận và các phường thuộc quận Gia Lâm. Hiện nay, TP đang trình T.Ư điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để hoàn tất điều kiện pháp lý quan trọng thành lập quận Gia Lâm.

Đến nay, Gia Lâm đã hoàn thành các tiêu chí, tiêu chuẩn thành lập quận. Ông có thể điểm qua một số nét nổi bật mà Gia Lâm đã và đang thực hiện để trở thành quận văn minh, hiện đại ở phía Đông của Thủ đô?

- Trong suốt quá trình xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí trở thành quận, huyện Gia Lâm đã lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để triển khai thực hiện. Đến nay, tốc độ phát triển kinh tế của huyện tiếp tục duy trì tăng trưởng khá, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 75,8 triệu đồng/người/năm. Từ năm 2022, huyện đã tự cân đối được thu chi ngân sách. Năm 2023, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 6.277 tỷ đồng, bằng 106,8% dự toán được giao, bằng 137,4% so với thực hiện năm 2022.

Diện mạo đô thị của huyện ngày càng được thể hiện rõ nét, khang trang, hiện đại. Trong đó, hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ. Trên địa bàn huyện đã có những tuyến đường hạ tầng khung quy mô lớn, có vai trò liên kết vùng, như: tuyến đường Yên Viên – Đình Xuyên – Phù Đổng; đường Lý Thánh Tông dài 2,8km; tuyến đường hoàn chỉnh, khớp nối hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp vừa và nhỏ Phú Thị, Dương Xá A; tuyến đường gom từ Cầu Thanh Trì đến cầu vượt Phú Thụy; tuyến đường đê hữu Đuống; tuyến đường song hành với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; nút giao Cổ Linh - đường Lý Thánh Tông - đường song hành và đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng…

Bên cạnh đó, huyện thực hiện nhiều chính sách, biện pháp thu hút các nhà đầu tư hình thành các khu đô thị mới, hiện đại. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có những khu đô thị có hạ tầng đồng bộ, thu hút hàng vạn cư dân đến sinh sống như: Khu đô thị Vinhomes Ocean Park với diện tích 420ha, Khu đô thị Đặng Xá gần 70ha, Khu đô thị Trâu Quỳ 31ha...

Huyện cũng đã xây dựng được các điểm du lịch và các sản phẩm du lịch được TP công nhận, như: điểm du lịch văn hóa - tâm linh gắn với hệ thống đền - chùa xã Phù Đổng - Dương Xá - Văn Đức; điểm du lịch làng nghề Bát Tràng…, thu hút hàng vạn lượt du khách tham quan, trải nghiệm.

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư công viên, một số tuyến đường lớn, trường liên cấp tại Dương Hà, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm… trên địa bàn theo kế hoạch và nhiệm vụ TP giao.

Năm 2024 là năm nước rút, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và xây dựng huyện thành quận. Vậy, Gia Lâm đã đề ra các giải pháp như thế nào để huyện hoàn thành các mục tiêu đề ra?

- Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội, huyện Gia Lâm sẽ chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân thực chất theo mục tiêu tổng quát “Trở thành quận văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển toàn diện bền vững, bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân”. Trước mắt, trong năm 2024, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và xây dựng huyện thành quận, huyện Gia Lâm sẽ tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó, huyện tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, bảo đảm trực tiếp, toàn diện, khoa học, hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ XXII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; đẩy mạnh xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Huyện cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của HĐND, UBND các cấp. Ngoài ra, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động bảo đảm thiết thực, hiệu quả và hướng mạnh về cơ sở.

Xây dựng huyện thành quận là một quá trình lâu dài và không ít khó khăn. Để đạt được những kết quả như trên, Gia Lâm chú trọng tập trung vào những yếu tố nào, thưa ông?

- Xây dựng huyện thành quận cần quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn thận và gặp không ít khó khăn, nhất là trong công tác huy động nguồn lực, đầu tư xây dựng, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội… Để đạt được những kết quả như trên, huyện đã tập trung tranh thủ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội; sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành TP trong việc hoàn thành các tiêu chí.

Bên cạnh đó, Huyện ủy - HĐND - UBND - MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội của huyện cũng đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung cao độ, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tập trung thực hiện các nhiệm vụ xây dựng huyện thành quận. Xác định rõ mục tiêu, thống nhất ý chí và hành động để quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của huyện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đặc biệt, một yếu tố quan trọng nữa chính là sự vào cuộc, chung sức hiệu quả của cộng đồng DN và Nhân dân trên địa bàn trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội gắn với các tiêu chí đầu tư xây dựng huyện thành quận; sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân trong việc thực hiện chủ trương thành lập quận.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Quyết thực hiện

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-lam-chuan-bi-hoan-tat-thu-tuc-thanh-lap-quan.html