Gia Lâm, Đống Đa ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn
Sáng 17-5, HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục giám sát về việc thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC), xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì đoàn giám sát tại huyện Gia Lâm; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà chủ trì đoàn giám sát tại quận Đống Đa.
Gửi văn bản điện tử, rút ngắn 30-50% thời gian họp
Tại huyện Gia Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết, UBND huyện xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cả nhiệm kỳ; từ đó, triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án đồng bộ và tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.
Huyện đã tổ chức 178 cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ CCHC của các cơ quan, đơn vị trực thuộc; thực hiện tốt nhiệm vụ thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 do UBND thành phố giao; thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính vào sáng thứ bảy hằng tuần tại 17/22 xã, thị trấn.
Các vấn đề “nóng” như kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, cấp sổ đỏ, kết quả giải quyết đơn thư, cải cách hành chính, thông tin tuyển dụng công chức, viên chức… cũng được cập nhật kịp thời trên Cổng thông tin điện tử của huyện. Ngoài ra, 100% đơn vị trong huyện đều ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn; thực hiện gửi - nhận văn bản điện tử, rút ngắn từ 30% đến 50% thời gian họp.
Đáng lưu ý, huyện đã thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, kinh phí quản lý hành chính cho 14 đơn vị, 22 xã, thị trấn, 79/79 trường học, 5 đơn vị sự nghiệp… Tiết kiệm do thực hiện khoán chi, giao quyền tự chủ đạt hơn 124 tỷ đồng. Huyện đã thực hiện tốt phân cấp, ủy quyền tại địa phương, bàn giao đưa vào sử dụng 283 dự án theo hình thức này, góp phần thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tại quận Đống Đa, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trịnh Hữu Tuấn cho biết, UBND quận thường xuyên chỉ đạo thực hiện kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần thái độ, ý thức, văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với đó là thực hiện có hiệu quả chương trình CCHC, tập trung vào đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Hiện nay, bộ phận "một cửa" của 21 phường triển khai thủ tục hành chính "không chờ"; giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ hồ sơ được quận và phường giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 100%.
Về công tác xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đối số, quận tiếp tục triển khai, duy trì, đảm bảo hạ tầng đường truyền WAN, mạng internet cho các phòng, ban và UBND các phường thuộc quận. 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn quận đã được kết nối với hệ thống mạng WAN phục vụ trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước cấp quận kết nối đến Trung tâm dữ liệu của thành phố…
Quận cũng tiếp tục duy trì, phát triển các cơ sở dữ liệu cốt lõi, chuyên ngành; xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn bộ người dân trên địa bàn, để cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ công dân, tổ chức, cá nhân, người nộp thuế...
Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền
Phát biểu kết luận buổi giám sát tại huyện Gia Lâm, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, chuyển đổi số là việc quan trọng, luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo, tuyên truyền, thể chế bằng các văn bản. Huyện Gia Lâm là đơn vị triển khai tốt công tác này, có hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đầy đủ, đưa ra mô hình hay, chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở.
Để nâng cao chất lượng lĩnh vực này, Chủ tịch HĐND thành phố chỉ đạo huyện Gia Lâm tiếp tục phân cấp, ủy quyền; khai thác đầy đủ, cập nhật nội dung mới, chú trọng tuyên truyền đến cán bộ, người dân. Trong quá trình thực hiện đề án từ huyện lên quận, huyện Gia Lâm cần rà soát toàn bộ công tác CCHC từ quận đến các xã, thị trấn, đánh giá kỹ, thực chất công việc; nêu cao vai trò của người đứng đầu, cán bộ phụ trách trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và đạo đức công vụ.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cũng chỉ đạo, bên cạnh biểu dương khen thưởng đơn vị làm tốt thì huyện Gia Lâm cũng nhắc nhở, phê bình đơn vị còn lơ là, chưa chuẩn chỉ, nhằm thúc đẩy công tác CCHC, phục vụ người dân tốt hơn.
Chủ tịch HĐND thành phố cũng chỉ đạo thành viên Đoàn giám sát nghiên cứu kỹ nội dung, sau khi giám sát trực tiếp, có những kiến nghị, đề xuất sát thực tiễn, để công tác CCHC, thực hiện chuyển đổi số của thành phố chuyển biến tích cực, phục vụ người dân và doanh nghiệp Thủ đô.
Tại quận Đống Đa, phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà ghi nhận cả hệ thống chính trị trên địa bàn quận Đống Đa đã vào cuộc quyết liệt trong triển khai thực hiện các công việc và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Chỉ rõ những hạn chế như chỉ số cải cách hành chính bị giảm, việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa hình thành nền tảng thống nhất..., đồng chí Phùng Thị Hồng Hà đề nghị sau giám sát, HĐND quận Đống Đa vào cuộc rà soát chỉ tiêu, đồng hành cùng UBND để bàn giải pháp tối ưu, quyết liệt khắc phục những hạn chế.
Trong đó, quận xác định khâu đột phá lĩnh vực đào tạo, trang bị kiến thức, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, qua đó tạo bước tiến, xứng tầm với vị thế quận lõi của Thủ đô, về đích sớm hơn các địa bàn khác về xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số.