Già làng Siu Bình học tập và làm theo Bác
Hơn 10 năm được bầu làm già làng, ông Siu Bình, làng Sơn, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đã thầm lặng đóng góp cho sự đổi thay của ngôi làng này bằng chính những việc làm cụ thể, thiết thực. Học tập và làm theo Bác, luôn tận tâm với công việc, nói đi đôi với làm, nêu gương sáng trong mỗi hành động vì cuộc sống no ấm của dân làng, mỗi việc làm bình dị của già làng Siu Bình
Làng Sơn là ngôi làng của những người J’rai bản địa. Trước đây, trong điều kiện cơ sở hạ tầng chưa phát triển, giao lưu giữa vùng nội địa với biên giới còn hạn chế, thì việc người dân phải đối mặt với những “quốc nạn” như mù chữ thất học, mê tín dị đoan, kinh tế kém phát triển là điều khó tránh khỏi.
Già làng Siu Bình chính là người tiên phong phát triển kinh tế, với 1 ha cà phê, hơn 2 ha cao su, 1 ha điều. Bởi theo ông, để bà con làm theo, tin nghe theo thì bản thân mình phải thể hiện tinh thần gương mẫu đi đầu: "Dân thấy mình làm gì làm trước thì đi theo thôi. Dưới buôn ấy, trước ai trồng cao su đâu, tôi trồng, dần dần thấy cao su chắc ăn nhất thì trồng. Thấy mình làm thì làm theo thôi".
Hơn 70 tuổi, nhưng bước chân của già Siu Bình vẫn thoăn thoắt, in dấu trên từng mảnh đất của làng Sơn. Ông đến từng nhà, ra tận rẫy động viên bà con, nhất là những gia đình nghèo mạnh dạn học hỏi, áp dụng những cách làm hay, những mô hình kinh tế hiệu quả để cải thiện cuộc sống. Bằng kinh nghiệm thực tế, ông chủ động hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật trồng cà phê, cao su cho một số hộ dân trong làng. “Mưa dầm thấm lâu” và “cầm tay chỉ việc” là hai cách làm mà suốt 10 năm qua ông đã áp dụng để từng bước giúp người dân, trong đó có gia đình chị Ksor H Phiêng thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế gia đình bền vững: "Gia đình trồng lúa, cao su và điều. Già Bình cũng chỉ tận nơi tận tay. Chỉ cách trồng, kỹ thuật, rồi cách bón phân như thế nào cho đúng mùa, đạt năng suất cao. Ai không biết đến hỏi già đều chỉ tận tâm. Bà con chúng tôi rất tin tưởng và nghe già Bình nói. Già là người uy tín của thôn làng chúng tôi".
Với chị Siu H’lan, già làng Siu Bình là người giúp gia đình chị yên ấm, không chỉ về mặt kinh tế, mà già còn giải quyết cả những xích mích trong gia đình. Chị H’Lan kể: "Hai vợ chồng rượu say ông già Bình lên giải quyết. Ông an ủi nhau, sau này không có chuyện gì nữa".
Già Siu Bình nhớ lại: "Khi đó 2 bên có xích mích nó cãi nhau phải kêu mình giải quyết. Mình phải chịu trách nhiệm phải nói".
Từ những mâu thuẫn nhỏ trong cộng đồng, đến việc vận động nhân dân không nghe theo kẻ xấu, giữ vững an ninh trật tự vùng biên, vụ việc phức tạp nào cũng nhờ già Siu Bình giải quyết thấu tình đạt lý.
Thiếu tá Nguyễn Đăng Duẩn, nhân viên đội vận động quần chúng đồn Biên phòng Ia Nan cho biết: "Già thường xuyên trao đổi cùng anh em bộ đội biên phòng động viên hướng dẫn bà con phát triển kinh tế gia đình, thường xuyên cùng tổ công tác địa bàn đến tận nhà nhắc nhở số hộ dân có nương rẫy sát biên giới thường xuyên chấp hành nghiêm nghị định 34 về biên giới rồi các hương ước quy ước của thôn làng, quy định của xã".
Còn già Siu Bình chỉ nghĩ đơn giản: bà con còn mến, tín nhiệm, ông còn tâm, sức thì sẽ đồng hành cùng họ, đưa làng Sơn trở thành làng nông thôn mới kiểu mẫu: "Người ta bầu mình, mình phải chịu trách nhiệm, có việc gì mình đi giải quyết hết. Mình phải lo cho dân chứ".
Đường về làng Sơn, xã biên giới Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai hôm nay nối tiếp màu xanh bạt ngàn của cao su, vườn điều, cà phê, cho thấy một cuộc sống bình yên và no đủ. Ở đó có già Siu Bình đang ngày đêm truyền lửa cho đồng bào xây dựng tình đoàn kết, vì sự no ấm, bình yên và phát triển của buôn làng.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/gia-lang-siu-binh-hoc-tap-va-lam-theo-bac-post1051560.vov