Giá lợn biến động mạnh và bài toán khắc phục điểm yếu của ngành chăn nuôi

Từ đầu năm 2024 đến nay, giá lợn hơi trên thị trường tăng mạnh. Đây là tín hiệu đáng mừng, dù vẫn còn đó nhiều nỗi lo, bởi những điểm yếu chưa thể khắc phục khiến ngành chăn nuôi phát triển thiếu bền vững suốt nhiều năm qua.

Giá lợn hơi đang tăng cao trên phạm vi cả nước. Ảnh: Khánh Vũ.

Giá lợn hơi đang tăng cao trên phạm vi cả nước. Ảnh: Khánh Vũ.

Chưa mừng đã lo

Khảo sát cho thấy, thị trường lợn hơi tại miền Bắc, giá thu mua tăng nhẹ ở một vài nơi. Trong đó, thương lái ở Hà Nội và Thái Bình đang giao dịch lợn hơi với giá cao nhất khu vực là 68.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với ít ngày trước. Giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc bình quân trong khoảng 66.000 - 68.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng tiếp đà tăng 1.000 đồng/kg so với ngày hôm qua. Hiện tại, giá lợn hơi bình quân ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên được thu mua trong khoảng 63.000 - 65.000 đồng/kg. Cùng tiếp đà tăng theo xu hướng chung của thị trường, giá giao dịch lợn hơi ở khu vực miền Nam hiện dao động trong khoảng 64.000 - 66.000 đồng/kg.

Lý giải về nguyên nhân lợn hơi tăng giá, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương nhận định, giá lợn thịt thời gian gần đây tăng trở lại cũng là phù hợp với quy luật thị trường. Nguồn cung giảm là động lực tăng giá chính trong thời gian qua.

Giá lợn hơi tại thị trường Việt Nam thuộc dạng biến động mạnh vì chịu tác động từ quy mô chăn nuôi thiếu ổn định, quy hoạch, dịch bệnh diễn biến phức tạp... Điều này khiến tổng nguồn cung giảm sút, kéo theo việc giá tăng.

Nhiều chuyên gia dự báo, giá lợn hơi có thể sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn và sau đó sẽ dừng lại khi bước vào các tháng Hè, khi thời tiết nắng nóng, sức tiêu thụ của người dân giảm đi. Điều đáng nói, việc giá lợn hơi tăng hiện nay rất dễ dẫn đến tâm lý nhiều người chăn nuôi giữ lại lợn đến tuổi xuất chuồng chờ giá cao hơn gây ra khủng hoảng thiếu giả, đẩy giá lợn tăng cao hơn và gây nên thế mất cân bằng trong chăn nuôi.

Ngành chăn nuôi vẫn đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Ngành chăn nuôi vẫn đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Còn nhiều điểm yếu

Mặc dù giá lợn hơi trong ít tháng qua đã tăng, tuy nhiên thực tế, vài năm gần đây, ngành chăn nuôi nói chung luôn đứng trước nhiều khó khăn. Quy mô phát triển ngành chăn nuôi vô cùng quan trọng khi có tới 6 triệu hộ nông dân gắn bó với lĩnh vực này.

Có vai trò rất lớn, tuy nhiên trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi lại thua lỗ nghiêm trọng. Hàng triệu hộ chăn nuôi lâm cảnh lao đao. Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi thua lỗ, phải bán cả tài sản, cầm cố sổ đỏ để trả nợ...

Báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại kỳ họp trước về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ NN&PTNT công bố vừa qua cũng chỉ ra nhiều điểm yếu của lĩnh vực chăn nuôi.

Cụ thể, ngành chăn nuôi còn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, đặc biệt là nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Việt Nam cũng mới chủ động được một phần về con giống, hàng năm vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn từ nước ngoài.

Chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ hiện nay vẫn chiếm tỷ lệ cao, chưa đảm bảo an toàn sinh học. Trong khi công tác kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm và môi trường còn nhiều khó khăn; sản xuất theo chuỗi liên kết từ trang trại đến bàn ăn còn nhiều hạn chế…

Những năm qua, tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi tương đối nhanh nhưng thiếu bền vững, biến động mạnh về tổng đàn, sản lượng, giá cả, ảnh hưởng tới lợi nhuận người chăn nuôi và lợi ích người tiêu dùng. Công tác dự báo thị trường cung - cầu, đánh giá, phân tích thị trường lĩnh vực chăn nuôi còn nhiều bất cập…

Kiểm soát chặt gia súc, gia cầm nhập lậu là giải pháp hết sức quan trọng để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Kiểm soát chặt gia súc, gia cầm nhập lậu là giải pháp hết sức quan trọng để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Báo cáo Quốc hội về giải pháp phát triển ngành chăn nuôi thời gian tới, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ chủ động hơn trong việc cập nhật thông tin, dự báo thị trường trong nước và thế giới để người dân và doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Riêng khía cạnh thức ăn chăn nuôi, Bộ NN&PTNT sẽ kết nối các doanh nghiệp với một số địa phương có lợi thế về trồng trọt để xây dựng vùng trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; phát triển chăn nuôi theo định hướng thị trường; phát huy thế mạnh của từng vùng, từng vật nuôi chủ lực.

Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh, sẽ tiếp tục ổn định đàn lợn, phát triển đàn gia cầm, gia súc ăn cỏ… để phục vụ tiêu dùng trong nước và một phần xuất khẩu. Cùng với đó, tăng cường sản xuất theo chuỗi sản phẩm, xây dựng mã định danh cho cơ sở chăn nuôi, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm và chế biến sâu để nâng cao giá trị.

Bên cạnh các giải pháp tổng thể nêu trên, tại cuộc làm việc với liên ngành nông nghiệp - công thương - công an trung tuần tháng 5/2024, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cần kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT khẳng định cần làm nghiêm, làm triệt để, thậm chí xử lý hình sự các đối tượng tiếp tay buôn bán gia súc, gia cầm nhập lậu; bởi câu chuyện không chỉ dừng ở nông dân trực tiếp chăn nuôi, mà còn ảnh hưởng tới cả ngành chăn nuôi nói chung.

“Mấy năm thua lỗ nghiêm trọng. Tôi rất buồn, rất xót xa khi thấy có không ít doanh nghiệp phải cho bay cả xe máy, ô tô đến sổ đỏ. Khi mà chúng ta vào cuộc quyết liệt, cả nông dân và doanh nghiệp đều phấn khởi, vì họ được bảo vệ khi kiếm đồng tiền chân chính từ mồ hôi, nước mắt của mình...” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh giải pháp kiểm soát vấn đề nhập lậu.

Từ đầu năm 2024 đến nay, ngành chăn nuôi phát triển tương đối ổn định cả về tổng đàn và tốc độ tăng trưởng. Đàn lợn tăng 3,3%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 1.293.900 tấn (tăng 4,6%). Tổng số gia cầm tăng 2,1%; sản lượng thịt gia cầm hơi ước đạt 593.800 tấn (tăng 5,1%); sản lượng trứng gia cầm ước đạt 5 tỷ quả (tăng 4,8%). Tổng sản lượng thịt hơi các loại trong quý I/2024 ước đạt trên 2 triệu tấn (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023).

Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-lon-bien-dong-manh-va-bai-toan-khac-phuc-diem-yeu-cua-nganh-chan-nuoi.html