Giá lợn hơi giảm, giá thức ăn chăn nuôi tăng, người chăn nuôi gặp khó
Thời điểm này, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh Hà Nam đang ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua, chỉ dao động từ 40-45 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 50% so với năm 2021 đã làm cho các hộ chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.
Số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, đàn lợn của tỉnh hiện đạt 368.000 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý I/2023 ước đạt 17.750 tấn. Toàn tỉnh có hơn 800 trang trại với tổng đàn 200.000 con, chiếm khoảng 54% tổng đàn toàn tỉnh; số hộ chăn nuôi lợn quy mô nông hộ giảm còn khoảng 7.800 hộ.
Trước thực trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn hơi giảm mạnh, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hà Nam đang tìm các giải pháp nhằm giảm thiệt hại như giảm quy mô đàn; chủ động nguồn thức ăn từ các nguyên liệu mà địa phương sản xuất được như ngô, khoai lang, đậu tương cá khô... đồng thời tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất.
Trước thực trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn hơi giảm mạnh, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hà Nam đang tìm các giải pháp nhằm giảm thiệt hại.
Là người có thâm niên nuôi lợn hàng chục năm nay, ông Lê Văn Năm, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, đã từng trải qua nhiều lần lên xuống giá lợn. Vì thế trong đợt giảm giá này, ông đã tính toán duy trì 20 con lợn nái và 150 con lợn thịt. Lứa lợn của trang trại vừa xuất chuồng có giá 45.000 đồng/kg, thấp nhất trong khoảng hơn 2 năm trở lại đây, trong khi giá thức ăn tăng gần 50% so với năm 2021.
Ông Năm tính toán, với giá bán 45.000 đồng/kg lợn hơi không phải là quá thấp, với điều kiện giá thức ăn chăn nuôi không tăng cao như hiện nay. Để chi phí cho 1 con lợn thịt có trọng lượng 100kg xuất chuồng ở thời điểm này hết khoảng 4,5-4,8 triệu đồng. Nếu người chăn nuôi tự cung cấp được con giống thì cũng hòa vốn, không có công lao động.
Với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phải mua con giống khoảng 1,5 triệu đồng/con trọng lượng 7 kg thì phải chịu thua lỗ. Còn với gia đình ông Năm đã chủ động tìm kiếm nguồn thức ăn thay thế cám công nghiệp bằng các thức ăn như, khoai lang, đậu tương, ngô, cá khô, các loại vitamin... Với cách làm này, gia đình ông tận dụng được nhân công dôi dư, cắt giảm được các khâu trung gian, tiết kiệm được hàng chục triệu đồng/tháng so với mua cám của công ty.
Người chăn nuôi cho rằng, một nguyên nhân chủ yếu khiến cho người chăn nuôi đang phải chịu thua lỗ như hiện nay là do giá cám công nghiệp chăn nuôi từ các nhà máy bán ra tăng gần 50% so với năm 2021, trong khi giá lợn hơi bán ra lại giảm. Trước thực trạng giá đầu vào tăng, đầu ra giảm, dẫn đến người chăn nuôi phải chịu lỗ. Để giảm chi phí sản xuất, người chăn nuôi tỉnh Hà Nam đã tìm nguồn thức ăn thay thế cám công nghiệp, tuy có vất vả hơn, nhưng bù lại được giá thành giảm.
Gia đình bà Phạm Thị Bình, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên cũng vừa xuất bán 40 con lợn thịt với giá 45.000 đồng/kg; sau khi hạch toán bà đã bị lỗ khoảng 20 triệu đồng. Bà Phạm Thị Bình chia sẻ, mấy năm trở lại đây người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn như dịch tả lợn châu Phi, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và nay giá lợn hơi lại giảm mạnh. Hiện tại, gia đình bà đang nuôi 1 chuồng với hơn 10 con, 4 chuồng còn lại để trống và cân nhắc tình hình một vài tháng tới chưa biết như thế nào. Nếu giá thức ăn chăn nuôi không giảm, giá lợn hơi không cải thiện thì gia đình phải tìm hướng phát triển kinh tế khác. Tuy nhiên, vợ chồng ông bà giờ đã hơn 50 tuổi, không thể vào làm việc tại các công ty, nếu bỏ nghề chăn nuôi thì cũng chưa biết làm gì.
Một thực tế hiện nay ở Hà Nam, chăn nuôi nông hộ đang chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương. Trong đó, chăn nuôi lợn được tỉnh xác định là hướng đi chính góp phần thúc đẩy phát triển và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên thời gian qua, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn hơi xuất chuồng giảm. Do đó, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đa phần đã để trống chuồng.
Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tổng đàn lợn của cả tỉnh và ảnh hưởng đến việc cung ứng nguồn lợn cho thị trường vào dịp cuối năm.
Các hộ chăn nuôi lớn giảm quy mô tổng đàn, đồng thời tìm nguồn nguyên liệu tương ứng để tự phối trộn thức ăn cho lợn nhằm giảm giá thành sản xuất, cầm cự, chờ giá lợn tăng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tổng đàn lợn của cả tỉnh và ảnh hưởng đến việc cung ứng nguồn lợn cho thị trường vào dịp cuối năm.
Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nam tiếp tục phối hợp với các địa phương tập trung làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; trong đó con giống nhập về nuôi phải bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, sạch bệnh; tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine và thường xuyên vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại nhằm hạn chế tối đa rủi ro hao hụt trong quá trình chăn nuôi.
Ngành cũng khuyến cáo người chăn nuôi tự phối trộn thức ăn cho lợn, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, đồng thời theo dõi sát diễn biến thị trường để đưa ra quyết định nhập đàn phù hợp.