Giá lợn hơi 'tụt dốc', càng nuôi nhiều càng lỗ, nhiều hộ chăn nuôi lớn ở miền Bắc quyết định... bỏ trống chuồng
Giá lợn hơi bấp bênh, có thời điểm chạm mốc 47.000 đồng/kg hơi nên nhiều tháng nay, không ít người dân tại xã Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, Hà Nam) đã bỏ nghề chăn nuôi, xin làm công nhân để có thu nhập ổn định.
Xã Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) được biết đến là "thủ phủ" lợn tại khu vực miền Bắc.
Tuy nhiên, từ sau khi xuất hiện dịch bệnh tả lợn châu Phi tới nay (năm 2019), không ít hộ chăn nuôi quyết định bỏ nghề chăn nuôi, chuyển hướng làm công nhân với mức lương cố định.
Hộ chăn nuôi Lê Thị Thắm (49 tuổi, ở thôn 5, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, Hà Nam) là điển hình. Vì "lứa được giá, lứa mất giá", cộng thêm chi phí nguyên liệu chăn nuôi đầu vào cao nên từ tháng 4/2023, gia đình bà Lê Thị Thắm đã quyết định dừng chăn nuôi lợn.
Bà Thắm cho biết: "Trước đây, gia đình tôi là một trong khoảng 400 hộ chăn nuôi ở xã Ngọc Lũ. Mỗi lứa, gia đình tôi nuôi ít nhất cũng khoảng 700 đến 1.000 con lợn. Thế nhưng, từ khoảng tháng 5/2019 đến nay, gia đình tôi chỉ nuôi vài chục con, xác định là vừa ở nhà trông cháu vừa nuôi cho đỡ buồn".
Theo bà Thắm, đầu năm 2023, gia đình bà nuôi khoảng 70 con. Tuy nhiên, giá lợn hơi rất thấp. Thời điểm tháng 4/2023, gia đình bà Thắm chỉ bán được với giá 47.000 – 48.000 đồng/kg.
Để tiết kiệm chi phí chăn nuôi, bà Thắm đã không mua thức ăn chăn nuôi chuyên biệt cho lợn, mà mua gom nguyên vật liệu thô, thức ăn tinh bột trên địa bàn như ngô, sắn… với chi phí rẻ về tự xay, tự phối trộn để tiết kiệm chi phí chăn nuôi.
"Thức ăn thô có giá rẻ như ngô khô là 70.000 đồng/10kg, trong khi đó, thức ăn chăn nuôi (cám đậm đặc) có giá 70.000 – 80.000 đồng/kg. Nhà tôi không dùng cám tăng trọng, vì mua trộn là lỗ. Thế nên, mua 150.000 đồng là được gần 20kg các loại thức ăn thô, tôi mang về trộn cho lợn, giá rẻ hơn rất nhiều", bà Thắm cho hay.
Bà Thắm cho biết thêm: "Đầu năm, nhà tôi bán lợn hơi là lỗ. Bây giờ giá nhỉnh hơn, lên đến 57.000 – 58.000 đồng/kg rồi, nhưng tính ra vẫn lỗ. Chăn nuôi vất vả mà lỗ nên từ tháng 4 đến giờ, nhà tôi quyết định dừng hẳn việc chăn nuôi lợn".
Theo bà Thắm, từ năm 2019 đến nay, người chăn nuôi xã Ngọc Lũ trải qua nhiều biến cố trong chăn nuôi, từ dịch tả lợn châu Phi, đến dịch COVID-19, người dân phải bỏ đi cả đàn chăn nuôi hàng trăm, hàng ngàn con/hộ.
Bởi vậy, theo bà Thắm, trên địa bàn xã Ngọc Lũ – nơi được mệnh danh là "thủ phủ" lợn miền Bắc, hiện nay, người dân không còn gọi là "thủ phủ" nữa. Vì 100 hộ chăn nuôi trước đây giờ chỉ còn lác đác vài hộ tiếp tục nghề chăn nuôi lợn.
"Vì phập phù, lứa được, giá lứa mất giá nên hầu như, người dân ở xã Ngọc Lũ bỏ chăn nuôi để xin đi làm công nhân tại khu công nghiệp với mức thu nhập dù không cao nhưng có tính ổn định. Những người lớn tuổi như tôi phải ở nhà chăm cháu thì có thể nuôi thêm", bà Thắm cho hay.
Tương tự bà Thắm, bà Hoàng Thị Điệp (ở Minh Quang, Chiêm Hóa, Tuyên Quang) cũng lựa chọn tinh bột, nguyên liệu thô là thức ăn chủ đạo để chăn nuôi.
Bà Điệp cho biết, vì là nhà nông, nguồn thu nhập chính là dựa vào chăn nuôi, nông nghiệp, không thể bỏ nghề chăn nuôi nên bà Điệp đã lựa chọn làm đại lý thức ăn chăn nuôi tại khu vực.
Bằng cách này, cộng thêm thức ăn thô, tinh bột dồi dào tại địa bàn, bà Điệp khẳng định không chỉ giảm áp lực chăn nuôi, mà còn giảm tối đa thua lỗ với đàn lợn gần 100 con, trọng lượng khoảng 70kg/con.