Giá lợn hơn cao nhất tới 78.000 đồng/kg

Thông tin trên vừa được nêu lên tại buổi làm việc diễn ra cuối giờ chiều ngày 18/11 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với một số doanh nghiệp, tập đoàn trong lĩnh vực chăn nuôi để bàn về các giải pháp ổn định nguồn cung và thị trường thịt lợn trong dịp Tết Canh Tý.

“Giá lợn hơi trên thị trường có những nơi lên đến 78.000 đồng/kg và cũng có nơi 73.000 đồng/kg”, ông Đào Mạnh Lương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mavin cho biết.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bên cạnh những hiện tượng tăng giá cục bộ như trên, diễn biến giá chung toàn thị trường theo ghi nhận của cơ quan chức năng cũng là tăng. Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nếu như tháng 1 năm nay giá lợn hơi phía Nam ở mức 49.200 đồng/kg, phía Bắc ở mức 44.420 đồng/kg thì đến nay, giá lợn hơi ở phía Nam đã lên mức 63.500 đồng/kg và phía Bắc ở mức 66.500 đồng/kg.

Về nguyên nhân, theo ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, giá lợn thịt một số nơi tăng cao bất thường những ngày qua phần lớn không phải do thiếu nguồn mà do khâu lưu thông và thông tin có vấn đề đã làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn. Trong đó đã có biểu hiện “găm hàng, thổi giá”.

“Việc giá thịt lợn tăng cao không chỉ tạo tâm lý lo lắng đối với người tiêu dùng mà còn gây ra sự bất ổn, thiếu bền vững cho ngành chăn nuôi lợn. Nếu giá thịt lợn không được bình ổn sẽ kéo theo hệ lụy khiến người chăn nuôi tái đàn ồ ạt, thiếu kiểm soát, khiến dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trở lại…”, đại diện Cục Chăn nuôi đánh giá.

Ông Đào Mạnh Lương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mavin đề xuất giải pháp cần thực hiện ngay lúc này là tháo gỡ khó khăn trong khâu lưu thông; tách riêng các chốt kiểm dịch đối với lợn giống và lợn thương phẩm, bởi nếu kiểm tra cùng địa điểm dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi giữa lợn giống và lợn thịt.

Đồng thời, về lâu dài, cần có quy hoạch để đảm bảo lượng cung thực phẩm ra thị trường; trong đó, Cục Thú y cần phối hợp với các địa phương tháo gỡ những khó khăn trong vận chuyển lưu thông để việc vận chuyển lợn và thịt lợn thuận lợi hơn giữa các vùng miền.

Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương khuyến khích tái đàn đối với những hộ có đủ điều kiện an toàn; trong đó cần có thêm những chính sách khuyến khích, hỗ trợ tín dụng đối các với các hộ chăn nuôi đủ điều kiện để tái đàn trở lại.

“Nếu giải quyết được vấn đề lưu thông và ổn định tâm lý thì sẽ giá lợn trong Tết này sẽ không tăng đột biến”, ông Lương nói.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ, ngành và doanh nghiệp phải cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, cùng vào cuộc để tăng nguồn cung, thông tin thị trường chính xác để tránh tâm lý thị trường.

Trước mắt, phải tăng nguồn cung các loại thực phẩm thay thế như: thủy sản, đại gia súc, gia cầm phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cục Chăn nuôi hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường tái đàn an toàn, kéo dài thời gian nuôi để tăng sản lượng cung ra thị trường…

Trước đó, theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2019 ở mức 0,59% so với tháng trước thì nguyên nhân chính là do giá thịt lợn tăng 7,85% làm CPI chung tăng 0,33%. Bên cạnh đó, giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn cũng tăng, như giá thịt quay, giò chả tăng 2,6%; giá thịt hộp, chế biến khác tăng 0,3%...

PL

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/gia-lon-hon-cao-nhat-toi-78000-dongkg-94961.html