Giá lợn thịt phi mã, người chăn nuôi không nên 'găm' hàng

Sau cơn bão dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), giá lợn thịt đang được đẩy lên cao nhất từ trước đến nay và còn có khả năng lên cao hơn nữa.

Khảo sát tại thị trường thành phố Tuyên Quang, giá lợn hơi dao động ở mức 53-55 nghìn đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Tam Cờ cho biết, so với tháng 6, giá lợn hơi đã tăng gần 30 nghìn đồng/kg. Tuy vậy, chị Hằng vẫn không dễ mua vì hiện tại những gia đình còn lợn đều có tâm lý bán cả đàn, không cho bán nhỏ lẻ, sợ làm lây nhiễm dịch bệnh.

Tại huyện Sơn Dương, giá lợn hơi cũng đã tăng lên 62 nghìn đồng/kg đối với lợn ngoại siêu nạc, tức là gấp đôi so với thời điểm tháng 6. Giá lợn thường cũng lên đến 55 nghìn đồng/kg, khả năng còn tiếp tục cao hơn nữa. Anh Nguyễn Mạnh Dũng, chủ trang trại chăn nuôi lợn thôn Yên Phú, xã Đại Phú cho biết, giá lợn lên cao phần nào bù đắp được những thiệt hại cho người chăn nuôi trong giai đoạn vừa qua. Theo anh Dũng, với giá lợn như hiện nay, mỗi con lợn lãi 2-3 triệu đồng nhưng độ rủi ro rất cao bởi dịch bệnh bủa vây, nguy cơ dịch xâm nhiễm từ các thương lái mang mầm bệnh từ nơi khác đến.

Thương lái tại xã Tứ Quận (Yên Sơn) gom lợn thịt để đưa sang thị trường Trung Quốc tiêu thụ.

Thương lái tại xã Tứ Quận (Yên Sơn) gom lợn thịt để đưa sang thị trường Trung Quốc tiêu thụ.

Anh Đỗ Duy Hải, thôn 4 Thái Bình, xã Thái Sơn (Hàm Yên) thương lái chuyên thu mua lợn thịt xuất khẩu sang Trung Quốc cho biết, trung bình cứ 4 ngày anh giao 30 tấn lợn sang Trung Quốc, giá lợn thịt tăng cao, dù tìm lợn khó song đổi lại rất dễ bán bởi thị trường Trung Quốc đang khan hiếm. Giá lợn hơi tăng cao đồng nghĩa với thịt lợn cũng nhảy vọt. Hiện tại 1 kg thịt lợn tăng từ 30-40 nghìn đồng. Tại chợ Tam Cờ (T.P Tuyên Quang) thịt lợn ở mức từ 110-130 nghìn đồng/kg tùy vào từng loại.

Theo người chăn nuôi không những lợn thịt, lợn giống cũng tăng rất cao, dao động từ 1-2 triệu đồng/con tùy vào giống, trọng lượng lợn. Khuyến cáo từ ngành chuyên môn đang thời điểm giá rất cao, dịch bệnh diễn biến bất thường bà con không nên chạy theo lợi nhuận tăng đàn ồ ạt, thiếu kiểm soát nguy cơ tổn thất rất lớn.

Đàn lợn thịt của gia đình anh Trịnh Văn Lực, thôn Đô Thượng 4, xã Xuân Vân (Yên Sơn)đã đến kỳ xuất chuồng.

Ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, số lượng lợn bị nhiễm DTLCP trên địa bàn tỉnh phải tiêu hủy không nhiều, song tại các tỉnh, thành phố trên cả nước số lượng tương đối lớn, dẫn đến nguồn cung giảm mạnh. Cùng với đó thị trường Trung Quốc đang rất khan hiếm lợn thịt và nhu cầu sử dụng thịt lợn của người dân từ nay đến cuối năm tăng cao. Sự tụt giảm nguồn cung lợn thịt đã đẩy giá lên cao mức kỷ lục, thập chí có thể cao nhất từ trước đến nay hoàn toàn có cơ sở. Ông Công lo ngại, giá lợn lên cao sẽ dẫn đến tâm lý "găm" hàng để chờ giá cao hơn, trong điều kiện giao mùa, DTLCP chưa được kiểm soát triệt để là rất nguy hiểm. Hơn nữa giá lợn tăng cao sẽ tác động đến nhiều ngành hàng khác, làm bất ổn thị trường, gây tâm lý hoang mang cho người dân.

Tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện có trên 500 nghìn con, trong đó đàn lợn thịt chiếm khoảng 60%. Như vậy có thể khẳng định, nguồn cung lợn thịt trong dân từ nay đến cuối năm vẫn tương đối dồi dào. Kiểm soát, bình ổn thị trường lợn thịt, các trang trại, gia trại không nên "găm" hàng, đẩy giá lên cao; xuất chuồng khi lợn đã đủ tuổi giết thịt làm thực phẩm; thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn sinh học trong chăm sóc và phòng, trừ dịch bệnh hạn chế dịch bệnh xâm nhiễm gây hại. Người tiêu dùng cũng nên sử dụng đa dạng các loại sản phẩm chăn nuôi khác như gà, vịt, ngan, cá, bò, dê… để giảm áp lực đối với sản phẩm lợn thịt.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/gia-lon-thit-phi-ma-nguoi-chan-nuoi-khong-nen-gam-hang-123698.html