Giá lúa đông xuân 2021-2022 tăng nhẹ, lợi nhuận thấp

Hiện nông dân tại nhiều địa phương trong tỉnh đang bước vào cao điểm thu hoạch vụ lúa đông xuân 2021-2022. Những ngày qua, giá lúa tăng nhẹ, nhưng nông dân vẫn kém vui, vì năm nay sâu bệnh nhiều, chi phí đầu vào tăng cao, lợi nhuận sản xuất ngày càng thấp.

SÂU BỆNH NHIỀU, NĂNG SUẤT GIẢM

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ đông xuân 2021-2022 toàn tỉnh xuống giống 283.837ha. Tính đến nay, nông dân đã thu hoạch trên 47.000ha, năng suất bình quân đạt 6,24 tấn/ha. Tại các huyện có diện tích gieo sạ nhiều như Hòn Đất, Giồng Riềng, Tân Hiệp, nông dân đang vào vụ thu hoạch rộ. Năm nay, tình hình dịch hại, sâu bệnh trên lúa xuất hiện khá nhiều, các loại sâu bệnh chủ yếu như lem lép hạt, muỗi hành, đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông; trong đó, nhiều diện tích lúa bị muỗi hành gây hại, làm giảm năng suất từ 30-40%.

Đồng chí Lê Văn Giàu - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất cho biết: “Qua khảo sát của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Hòn Đất có trên 2.000ha lúa đông xuân 2021-2022 nhiễm muỗi hành khá nặng trên các diện tích lúa sạ sau lịch thời vụ. Uớc tính năng suất lúa sụt giảm từ 30-50%”.

Ông Danh Lời, ngụ ấp Hòn Me, xã Thổ Sơn (Hòn Đất) nói: “Năm nay sâu bệnh khá nhiều, từ đầu vụ tôi có hơn 20 công bị muỗi hành gây hại. Ngoài muỗi hành, lúa còn nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông. Chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải sử dụng nhiều gấp đôi vụ đông xuân năm trước, ước tính chi phí vụ này hiện đã hơn 2 triệu đồng/công, năng suất lúa ước chỉ còn khoảng 800kg/công, giảm gần 200kg/công so năm trước”.

CHI PHÍ TĂNG, LỢI NHUẬN GIẢM

Theo nhiều nông dân, vụ lúa đông xuân là vụ lúa chính trong năm. So vụ hè thu, vụ đông xuân thường đem lại thuận lợi cao hơn do không bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi như mưa, dông, sâu bệnh làm giảm năng suất, vì vậy nông dân rất kỳ vọng được mùa, trúng giá. Tuy nhiên, vụ đông xuân năm nay khiến nông dân kém vui vì đối mặt rất nhiều khó khăn trong sản xuất như sâu bệnh, năng suất giảm, chi phí đầu vào tăng cao, giá bán thấp, lợi nhuận giảm đáng kể.

Nông dân ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp (Tân Hiệp) thu hoạch lúa đông xuân 2021-2022.

Nông dân ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp (Tân Hiệp) thu hoạch lúa đông xuân 2021-2022.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp, giá lúa đông xuân 2021-2022 bắt đầu tăng nhẹ trong tuần qua, từ 50-100 đồng/kg tùy giống lúa; trong đó, giá lúa OM18, Đài Thơm 8 tăng khoảng 100 đồng/kg, dao động ở mức 5.600-5.800 đồng/kg; giá lúa Nhật ĐS1 duy trì ổn định 6.600-6.700 đồng/kg; giá lúa ST24 tăng từ 100-200 đồng/kg, dao động từ 7.100-7.200 đồng/kg. Tuy giá lúa tăng nhẹ nhưng vẫn thấp hơn từ 1.000-1.500 đồng/kg so cùng thời điểm vụ lúa đông xuân 2020-2021.

Ông Nguyễn Ngọc Phú - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp (Tân Hiệp) cho biết: “Vụ lúa này, thành viên trong hợp tác xã gieo sạ các giống lúa chủ lực chất lượng cao như Jasmine và Đài Thơm 8 trên tổng diện tích 620ha. Năng suất lúa sau thu hoạch đạt khoảng 7 tấn/ha, giảm hơn 20% so vụ đông xuân 2020-2021. Giá lúa tươi bán tại ruộng 5.600 đồng/kg, giảm gần 1.000 đồng so vụ đông xuân 2020-2021. Không những thế, chi phí sản xuất lúa tăng từ 30-40%, vì vậy lợi nhuận vụ lúa đông xuân này không cao”.

Vừa mới thu hoạch xong gần 2ha lúa đông xuân 2021-2022, ông Phạm Hữu Trọng, ngụ ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp nói: “Giá lúa tăng nhẹ nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với giá thành sản xuất bỏ ra. Tất cả chi phí từ thuê máy cắt, bơm tưới, xăng, dầu, vật tư nông nghiệp đều đội giá lên rất cao. Với mức giá lúa hiện nay, trừ hết chi phí, lợi nhuận còn lại quá thấp. Đối với những hộ thuê, mướn đất để sản xuất thì vụ này xem như huề vốn, tiền bán lúa đem trả cho đại lý vật tư nông nghiệp sẽ hết, không còn tiền để chuẩn bị cho sản xuất vụ sau nữa”.

Nông dân ấp Hòn Me, xã Thổ Sơn (Hòn Đất) thăm đồng.

Theo đồng chí Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, thời tiết bất lợi và chi phí sản xuất tăng cao, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật trong sản xuất lúa, nhất là áp dụng biện pháp canh tác lúa theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” để giảm chi phí đầu tư sản xuất, đảm bảo lợi nhuận sau thu hoạch…

Ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, tạo ra sản phẩm lúa hàng hóa theo nhu cầu của thị trường và xuất khẩu, chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị và tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm để ổn định đầu ra sản phẩm. Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp các địa phương tăng cường hướng dẫn nông dân thăm đồng, theo dõi tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trị kịp thời đảm bảo năng suất, chất lượng lúa sau thu hoạch.

Bài và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//nong-nghiep/gia-lua-dong-xuan-2021-2022-tang-nhe-loi-nhuan-thap-8449.html